Nhân rộng các mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi

Chủ nhật - 19/05/2019 23:35
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do phụ nữ làm chủ. Không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho phụ nữ, nhiều mô hình còn có sức lan toả trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; góp phần khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Để đồng hành, cổ vũ hội viên phụ nữ, các phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp luôn được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh.​

Nhiều mô hình hiệu quả

Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ môi trường, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và trải nghiệm nhiều mô hình kinh doanh, chị Bùi Thị Hồng Vân, ngụ xã Phước Bình, huyện Long Thành quyết định áp dụng các kiến thức về khoa học công nghệ để sản xuất thực phẩm sạch. Trong đó chủ đạo là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng để trồng dưa lưới và dưa lê. Với tổng diện tích khoảng 1 ha trồng dưa và nhiều loại rau khác, hiện sản phẩm của trang trại do chị làm chủ đã được tiêu thụ tại các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh và một phần sản phẩm trái cây và rau sạch được dùng để phục vu du khách khi đến với khu du lịch sinh thái do chị đầu tư. “Thực phẩm sạch luôn là nhu cầu, đòi hỏi của người tiêu dùng và ngày càng trở nên cần thiết hiện nay. Ngành nông nghiệp công nghệ cao cũng được xác định là xu hướng để phát triển của nông nghiệp nước ta, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và đầu ra ổn định. Do đó, tôi quyết định đầu tư mô hình trồng dưa lưới nhà màng và rau sạch để phát triển kinh tế”, chị Vân nói.


Chị Nguyễn Thị Liên trong trại nấm rơm của mình.

Cũng giống như chị Hồng Vân, chị Nguyễn Thị Liên, Giám đốc HTX nông nghiệp xanh ở xã Lộc An, huyện Long Thành đã biến ý tưởng khởi nghiệp của mình thành hiện thực khi mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau 2 năm thực hiện thí điểm, chị nhận thấy mô hình làm nấm rơm dễ làm, phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu của địa phương, nhất là phù hợp với nhu cầu của thị trường nên đã quyết định đầu tư mở rộng quy mô lên khoảng 80 trại nấm, với diện tích từ 20 - 40m3/trại. Đặc biệt, mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính cho năng suất cao, nấm sạch và ít bị sâu bệnh. Ngoài ra, chị còn trồng thêm rau mầm sạch để cung cấp cho thị trường. Được biết, đây cũng là mô hình phát triển kinh tế để giải quyết việc làm cho một số hộ dân trong vùng dự án Sân bay quốc tế Long Thành và là một trong 12 sản phẩm được chọn phát triển theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

“Sau thời gian đi học tập kinh nghiệm thực tế để tìm kiếm mô hình sản xuất nấm phù hợp cho bà con địa phương, tôi nhận thấy việc sản xuất nấm ngoài trời tiêu tốn nhiều chi phí nhân công, chăm sóc mà chất lượng nấm không cao, do đó đã mạnh dạn đầu tư nhà kính. Hiện sản phẩm của HTX đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, đầu ra ổn định, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân địa phương”, chị Liên cho biết.

Hỗ trợ hội viên phụ nữ vươn lên

Không chỉ là cán bộ Hội năng động, tích cực, chị Nguyễn Thị Đào, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hàng Gòn, TX. Long Khánh còn là người làm nên thương hiệu mật ong, chôm chôm Long Khánh. Xuất thân trong một gia đình thuần nông, chị Đào bắt đầu lập nghiệp với nghề nuôi ong ở Long Khánh từ năm 1998, từ chỗ nuôi 50 đàn/năm, đến nay gia đình chị đã tăng đàn lên 150 đàn/năm. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, những năm gần đây, chị đã đăng ký thương hiệu mật ong hoa chôm chôm Bình Đào, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hiện trại ong của gia đình chị thu được 5 tấn mật/ năm với giá bán 100.000 đồng/lít mật, mỗi năm cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng.

Bên cạnh sự quyết đoán, năng động trong sản xuất kinh doanh, chị Đào còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và hoạt động Hội. Chị đã hướng dẫn, hỗ trợ cho 13 gia đình học nghề nuôi ong và bao tiêu sản phẩm đầu ra, đồng thời thành lập tổ hợp tác nuôi ong xã Hàng Gòn. Với sự nhiệt tình, năng động của mình, chị được chị em tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hàng Gòn, đưa Hội trở thành đại chỉ tin cậy, giúp hội viên vượt qua khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Từ làm kinh tế giỏi, chị Đoàn Thi Lý, Xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ đã có điều kiện tham gia công tác xã hội. Theo đó chị giúp đỡ thường xuyên cho 15 hộ nghèo tại địa phương với 10kg gạo/hộ/tháng; tặng quà Tết hằng năm 50 phần với số tiền 15 triệu đồng. Đồng thời, mô hình kinh tế của gia đình chị cũng đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động tại địa phương với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Chị Lý cũng là hội viên phụ nữ vừa được tuyên dương điển hình tiên tiến cấp tỉnh.

Ngoài những cá nhân hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi, thời gian qua, nhiều chị em phụ nữ còn thể hiện tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau làm kinh tế. Nhiều mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác đã thành công, giúp các hội viên có thu nhập ổn định. Mô hình Tổ hợp tác trồng bưởi của chị em phụ nữ xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu là một điển hình như thế. Theo đó, tổ hợp tác đã giúp 15 hội viên là chị em phụ nữ học tập trao đổi kinh nghiệm trong trồng trọt, nâng cao năng suất, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, tổ hợp tác còn giúp được 4 chị với tổng số vốn là 140 triệu đồng, trong đó hỗ trợ chị em 50 triệu đồng mua phân bón, giống cây trồng...

Ngoài mô hình tổ hợp tác trồng bưởi ở xã Bình Lợi, hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn duy trì hơn 350 nhóm tiết kiệm với hơn 9.000 thành viên. Với số tiền huy động  trên 4 tỷ đồng, các nhóm này đã xét cho hơn 900 hội viên vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Hội còn duy trì nguồn vốn tương trợ với 25 nhóm với hơn 400 thành viên với tổng số vốn hơn 170 triệu đồng giúp cho chị em khó khăn vay không tính lãi, giúp nhiều chị em vươn lên khá giả, góp phần vào sự phát triển chung của huyện.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, bên cạnh duy trì tổ chức Ngày hội Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã  tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo cơ sở tập trung vào các hoạt động hỗ trợ và kết nối giúp phụ nữ phát triển kinh doanh, tổ chức các chương trình tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực khởi nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tài chính; hỗ trợ pháp lý, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, phát triển sản phẩm; kết nối thị trường; kết nối mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp… Theo kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh đề ra mục tiêu toàn tỉnh sẽ hỗ trợ thành lập ít nhất 20 mô hình kinh tế tập thể; 350 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; 100% doanh nghiệp mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…

P.V

Tác giả: P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây