Sau 3 ngày diễn ra, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã kết thúc một cách suôn sẻ, an toàn, nghiêm túc. Hơn 10 ngày nữa, kết quả thi sẽ được công bố. Theo giới chuyên môn, điểm thi năm nay chắc chắn sẽ không “đẹp” như kỳ thi năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn từ đề thi năm nay, có thể thấy những tín hiệu tích cực trong việc đổi mới dạy và học ở trường phổ thông trong thời gian tới.
Sẽ phải chú trọng phát triển kỹ năng cho học sinh
Cũng như những kỳ thi khác, đề thi môn Ngữ văn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Ðề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia năm nay được dư luận xã hội cũng như giới chuyên môn đánh giá cao. Theo đó, đề phân hóa tốt, đảm bảo được mục đích xét tốt nghiệp và làm căn cứ để xét tuyển đại học, cao đẳng. Không những vậy, cách ra đề này phù hợp với việc dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh đã được Bộ GD-ÐT triển khai, quán triệt trong nhiều năm nay.
Thực tế, nhiều năm gần đây, Bộ GD-ÐT đã ra đề theo hướng phát triển năng lực học sinh. Những vấn đề nghị luận xã hội được nêu ra trong đề thi tương đối gần gũi với thí sinh. Năm nay, vấn đề nghị luận xã hội có vẻ hơi quá tầm so với học sinh lớp 12. Tuy nhiên, đây cũng là cách đặt vấn đề hợp lý. Bởi lẽ, trách nhiệm với tương lai, sự phát triển của đất nước là điều mà học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông cần phải nghĩ đến. Ðiều này thậm chí còn được thể hiện cả trong định hướng nghề nghiệp. Ðó là các em không chỉ chọn những ngành nghề kiếm ra nhiều tiền mà còn lựa chọn những nghề mang đến nhiều đóng góp hơn cho xã hội.
Bà Tăng Kim Huệ, chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn, Sở GD-ÐT Ðồng Nai nhận xét: “Các học sinh, giáo viên đều nhận xét đề thi năm nay khó hơn năm trước. Thực ra điều này không bất ngờ bởi lẽ đề ra hoàn toàn đúng theo định hướng của Bộ GD-ÐT. Trước đó, trong đề thi tham khảo cũng đã có phần liên hệ nội dung kiến thức lớp 11 với lớp 12. Hiện nay, nhiều giáo viên vẫn chú trọng việc dạy kiến thức hơn là kỹ năng, phương pháp. Trong công tác ôn tập, nhiều giáo viên thường “nhấn mạnh” điểm này, điểm kia cho học sinh. Phương pháp “học tủ” này sẽ không còn phù hợp nữa. Vì vậy, chắc chắn giáo viên và học sinh sẽ phải thay đổi cách dạy và học theo hướng phát triển năng lực học sinh để đáp ứng được với cách ra đề này”.
Sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, em Hoàng Mỹ, thí sinh tại điểm thi Trường TH-THCS-THP Lê Quý Ðôn cho hay: “Ðối với môn Toán, nếu chỉ học như bình thường, không cần đi ôn luyện thì em cũng có thể đạt được 5 điểm. Phần còn lại, dù có đi học thêm thì em vẫn khó lòng làm được vì nó thuộc kiến thức dành cho học sinh khá, giỏi”.
Không chỉ môn Ngữ văn, cách ra đề như hiện nay sẽ có tác động tích cực đến việc dạy và học ở trường phổ thông trong tất cả các môn học. Theo đó, trong quá trình dạy, giáo viên phải bám sát nội dung chương trình SGK để học sinh kiếm điểm trung bình. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải mở rộng, nâng cao cho các học sinh khá giỏi bằng cách bám sát ma trận đề thi minh hoạ của Bộ GD-ÐT. Các em học sinh sẽ cần chủ động, tự giác, tích cực học tập hơn nữa để tiếp thu kiến thức đầy đủ. Tránh học tủ, học mẹo, tùy theo sức học, mục tiêu mà dành thời gian học tập tương ứng. Thầy Vũ Ngọc Hòa, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Ngô Quyền cho rằng: “Ðối với nhà trường, nên có những lớp ôn luyện, phân loại đối tượng giúp các em ôn tập đạt kết quả cao nhất. Về phần này, theo tôi, các trường tư thục làm tốt hơn trường công lập”.
Tập trung cho công tác chấm thi
Kỳ thi THPT quốc gia đã diễn ra một cách suôn sẻ, an toàn, đúng quy chế. Sự phối hợp giữa đơn vị chủ trì là Sở GD-ÐT với các trường đại học khá nhịp nhàng, đạt hiệu quả cao. Việc có mặt song hành của cán bộ của Sở lẫn các trường đại học, cao đẳng trong mọi khâu của kỳ thi như: coi thi, giám sát, thanh tra thi và tới đây là chấm thi cho thấy kỳ thi được tổ chức một cách khách quan, công bằng, chặt chẽ.
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, các bài thi (đã được niêm phong theo đúng quy định) được vận chuyển về địa điểm chấm thi là Trường THPT Trấn Biên. Tại đây, công tác chấm thi sẽ được tiến hành nghiêm túc dưới sự bảo vệ chặt chẽ của lực lượng an ninh. Dự kiến, ngày 1-7, Sở GD-ÐT sẽ khai mạc chấm thi. Công việc này được tiến hành khẩn trương, đảm bảo thời hạn công bố điểm vào ngày 11-7 theo yêu cầu của Bộ GD-ÐT.
Năm ngoái, Sở GD-ÐT Ðồng Nai cũng đã chủ động trong công tác chấm thi nên việc triển khai chấm thi năm nay có nhiều thuận lợi. Môn Ngữ văn cần đến hơn 300 giáo viên chấm thi, cán bộ làm phách phải cách ly hoàn toàn. Quá trình chấm bài tự luận cũng đảm bảo 2 vòng độc lập; đồng thời phải chấm kiểm tra tối thiểu 5% cùng tiến độ với vòng 1, vòng 2, để nếu có sai lệch sẽ điều chỉnh kịp thời. Ðiểm bài thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân, giúp phân hóa tốt hơn, phục vụ tốt hơn công tác tuyển sinh.
Ðối với các môn thi trắc nghiệm, Sở GD-ÐT đã trang bị đầy đủ máy móc phục vụ chấm thi, sử dụng phần mềm của Bộ GD-ÐT cung cấp để chấm thi và thực hiện chấm theo đúng Quy chế.
Sau khi biết điểm, mỗi thí sinh sẽ được quyền thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ÐKXT) đại học, cao đẳng một lần (từ 19-7 đến 26-7 đối với thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ÐKXT trực tuyến; từ ngày 19-7 đến 28-7 đối với thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ÐKXT bằng phiếu ÐKXT). Từ thực tế kỳ thi năm nay, chắc chắn sẽ có rất đông thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Lưu ý, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần và chỉ sử dụng một trong hai hình thức điều chỉnh như trên.
Ðối với phương thức điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến, thí sinh chỉ được điều chỉnh số nguyện vọng không lớn hơn số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu (khi làm hồ sơ dự thi). Ðối với phương thức điều chỉnh nguyện vọng trên tờ ÐKXT, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với đăng ký ban đầu nhưng phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định.
Hải Yến
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập