Bản sắc văn hóa qua trang phục các dân tộc

Thứ năm - 28/06/2018 21:10
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trang phục truyền thống là văn hoá của mỗi dân tộc, qua cách ăn mặc người ta có thể nhận biết dân tộc này hay dân tộc kia. Bởi thế, đến các vùng đồng bào dân tộc vào những dịp lễ, Tết hay lễ hội truyền thống, chúng ta có dịp chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống với hoa văn, màu sắc sặc sỡ trên nền vải thổ cẩm. Giữa núi rừng xanh ngút ngàn, trang phục các dân tộc như đoá hoa khoe sắc, tô điểm bức tranh văn hóa sống động.​

Độc đáo trong trang phục dân tộc

Ðược xem là một trong những tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Ðồng Nai hiện có 37 thành phần dân tộc, chiếm 7% dân số của tỉnh. Trong đó tập trung nhiều nhất là các dân tộc: Hoa, Tày, Nùng, Chơ Ro, Mạ. Ðồng bào dân tộc sống rải rác ở các địa phương, chủ yếu tập trung ở các huyện: Ðịnh Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu... 


 Đồng bào các dân tộc trong Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai năm 2018.

Nếu như nét độc đáo trong trang phục người Tày là lối dùng màu chàm phổ biến, đồng nhất trên trang phục nam và nữ; từ vải sợi bông tự dệt, người Tày nhuộm chàm và hầu như không thêu thùa, trang trí… thì trong trang phục truyền thống của người Chơ Ro, họ dùng khố, váy và áo làm được từ vỏ cây rừng kết lại. Ngày nay, người Chơ Ro đã biết biết xe sợi, dệt vải thổ cẩm. Hoa văn trên trang phục cũng được dệt đồng thời với quá trình dệt vải, bao gồm đầu chà gạc (tong yih), đường viền (tong têch), mắt cú mèo (mat ncau), khung quay sợi (khiya).

Với đôi bàn tay khéo léo, đảm đang, những phụ nữ dân tộc Mạ đã làm ra nhiều mẫu váy áo có hoa văn tinh tế hình hoa lá, chim thú gắn với đời sống văn hóa truyền thống dân tộc. Trong các lễ hội, nữ giới thường mặc váy quấn, dài quá bắp chân, nam giới thì đóng khố. Chính nét độc đáo trong trang phục của người Mạ cùng với nỗ lực bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm đã tạo cảm hứng để biên đạo múa Việt Bắc (Ðoàn ca múa nhạc Ðồng Nai) xây dựng thành công tác phẩm múa “Truyền nghề” (đoạt giải B cuộc thi múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số 2017).

Ðối với đồng bào dân tộc, trang phục thổ cẩm không đơn thuần là để mặc mà qua đó, đồng bào dân tộc thể hiện đời sống văn hóa (vật chất, tinh thần và xã hội), sống động mà êm ả, cầu kỳ và thanh nhã. Sự bài trí trong trang phục có sự khác nhau giữa các dân tộc nhưng tất cả đều có điểm chung là được thiết kế tiện cho việc đi lại và thuận lợi cho lao động hàng ngày. Người dân tộc thường kết hợp váy áo với vòng cổ, vòng tay bằng bạc, căng tai bằng gỗ, cuốn dây thổ cẩm quanh trán hoặc dùng khăn bịt đầu như một cách giới thiệu và quảng bá văn hoá của dân tộc mình.

Gìn giữ bản sắc riêng

Trong dòng chảy hội nhập và phát triển hiện nay, trang phục của các dân tộc lúc lao động, lúc sinh hoạt thường ngày hoàn toàn giống với trang phục của người Kinh. Chỉ khi tham gia lễ hội, Tết đến hoặc khi biểu diễn nghệ thuật… họ mới “diện” những bộ trang phục truyền thống được làm từ thổ cẩm. Bởi thế, một bộ phận đồng bào dân tộc, nhất là giới trẻ dường như đang dần “lãng quên” bản sắc của dân tộc. 

Đồng bào dân tộc Mạ trong bộ trang phục truyền thống.

Do đó, để trang phục của đồng bào các dân tộc vẫn tiếp tục được gìn giữ và lưu truyền cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc quy hoạch và tổ chức, khôi phục, phát triển nghề dệt truyền thống và tạo đầu ra cho sản phẩm. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào cần được tăng cường, giúp người dân hiểu, trân trọng, tự hào về giá trị của những di sản văn hóa dân tộc.

Việc tổ chức thường xuyên các hội thi, hội diễn trang phục truyền thống dân tộc cũng góp phần quan trọng trong việc bảo lưu giá trị văn hóa cũng như quảng bá hình ảnh các dân tộc, làm đẹp thêm cho đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của đồng bào. Chỉ khi nào người mặc có sự hiểu biết, tự hào và lòng yêu mến vốn quý cha ông đã trao truyền thì khi đó trang phục truyền thống của mỗi dân tộc sẽ tiếp tục tồn tại, gìn giữ và phát huy.

P.V

Tác giả: P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây