Là kỹ sư cơ khí nhưng đam mê sáng tác các bài bản tài tử và vọng cổ, những tác phẩm do anh Trần Việt Liêm viết lời rất ngọt ngào, sâu lắng và mang nhiều triết lý về cuộc sống.

Anh Trần Việt Liêm (thứ 3 từ trái qua) đoạt giải 3 sáng tác lời mới bài bản tài tử và vọng cổ
Anh Trần Việt Liêm (thứ 3 từ trái qua) đoạt giải 3 sáng tác lời mới bài bản tài tử và vọng cổ
Sáng tác hơn 100 bài bản tài tử và vọng cổ mới
Sinh ra và lớn lên ở Kiên Giang nhưng anh Liêm chọn Đồng Nai làm nơi sinh sống và lập nghiệp. Từ nhỏ anh đã được làm quen với bộ môn nghệ thuật truyền thống từ tiếng đờn của cha và những buổi sinh hoạt người dân địa phương cũng như tích cực tham gia các phong trào văn nghệ của trường, lớp. Phải đến năm 2012, anh biết đến nghệ nhân dân gian Phạm Lơ và xin gia nhập CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai, học hỏi và rèn luyện kỹ năng sáng tác lời mới cho vọng cổ và ĐCTT.
Chia sẻ về cơ duyên đến với sáng tác, anh Liêm nói rằng, thời còn đi học, anh thích làm thơ. Từ yêu thơ, anh bắt đầu tập tành viết lời cho ĐCTT và vọng cổ. Tuy nhiên, sau tốt nghiệp phổ thông, anh không chọn theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp mà theo học cơ khí và tham gia sinh hoạt ở CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai. Tại đây, anh được hướng dẫn ký âm, viết lời mới.
Anh Liêm bộc bạch: “Để viết những lời mới cho vọng cổ, ĐCTT hay, mượt mà ngoài vốn sống và kinh nghiệm, tôi còn được thầy Phạm Lơ hướng dẫn rất tận tình và chu đáo. Khi viết, tôi không ngồi một chỗ cố định mà các ý tưởng xuất hiện trong quá trình làm việc, vui chơi được ghi lại trong cuốn sổ tay, xong để đó vài ngày sau chỉnh sửa và hoàn thiện. Đến nay, tôi đã có hơn 100 bài vọng cổ và bài bản tài tử mới”.
Cũng thời gian này, anh Liêm thường xuyên tham gia các đợt thực tế sáng tác và các lớp tập huấn về ĐCTT do Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai tổ chức. Từ đó, anh có thêm những kiến thức cơ bản về cấu trúc, nhịp nhàng của bài vọng cổ và những bài bản trong ĐCTT.
Nhiều bài bản của anh khi tham gia các liên hoan, hội diễn và cuộc thi sáng tác đã đoạt giải thưởng cao như: giải ba cuộc thi sáng tác ca khúc và vọng cổ năm 2014 với tác phẩm Biển đợi; giải ba hội thi Sáng tác lời mới ĐCTT năm 2018 với tác phẩm Đêm Trấn Biên vui.

Anh Trần Việt Liêm, ngụ tại P.Phước Tân, TP.Biên Hòa bên các giải thưởng và tác phẩm.
Anh Trần Việt Liêm, ngụ tại P.Phước Tân, TP.Biên Hòa bên các giải thưởng và tác phẩm.
Giới thiệu tác phẩm đến công chúng
Ngoài việc tham gia các hội thi, hội diễn để giới thiệu và quảng bá tác phẩm, anh Liêm còn tích cực ứng dụng công nghệ, giới thiệu các bài bản tài tử và vọng cổ thông qua mạng xã hội. Trong đó, anh đã lập kênh YouTube mang tên Vọng cổ tinh hoa, giới thiệu hàng chục tác phẩm mà anh đã sáng tác, được nhiều nghệ sĩ, tài tử trong và ngoài tỉnh biểu diễn.
Anh Liêm chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, hoạt động biểu diễn ĐCTT, vọng cổ bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19. Do đó, để giới thiệu rộng rãi đến công chúng yêu mến bộ môn nghệ thuật này, tôi đã tận dụng lợi thế từ mạng xã hội, đưa những tác phẩm của mình đến cộng đồng. Điều này không chỉ thể hiện tình yêu, trách nhiệm với ĐCTT mà qua đó, góp phần giữ “lửa” nghệ thuật truyền thống, đáp ứng nhu cầu của công chúng”.
Bên cạnh đó, nhiều sáng tác của anh Liêm được các địa phương tập hợp thành sách, in chung thành tác phẩm: tuyển tập Vọng cổ đồng quê (NXB Văn hóa văn nghệ, 2013); tập ca cổ Ký ức tháng tư, Gửi về miền đất thân yêu (NXB Văn hóa văn nghệ); thơ tình sông Cửu Long (NXB Trẻ)…
Chia sẻ về mong muốn đối với nghệ thuật ĐCTT, anh Liêm cho biết, cùng với hoàn thành tốt công việc của một kỹ sư cơ khí, anh sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để sáng tác thêm những tác phẩm mới, chất lượng, có ý nghĩa phục vụ phong trào văn hóa, văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, anh sẽ tiếp tục duy trì các kênh thông tin, mạng xã hội để quảng bá những tác phẩm không chỉ của riêng anh mà của cả các tác giả khác, đặc biệt là những tác phẩm về quê hương Biên Hòa - Đồng Nai.
“Các bài bản tài tử và vọng cổ hôm nay đang được công chúng đón nhận. Nhiều người trẻ cũng yêu thích và biểu diễn bộ môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, hiện nay ở Đồng Nai việc truyền dạy ĐCTT chủ yếu theo hình thức truyền miệng, người đi trước biết, hướng dẫn người đi sau. Tôi mong rằng, thời gian tới sẽ có nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng sáng tác lời mới, nhất là trường nghệ thuật có đào tạo ĐCTT để loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy” - anh Liêm bộc bạch.

Anh Trần Việt Liêm đang sáng tác lời mới bài bản tài tử và vọng cổ
Anh Trần Việt Liêm đang sáng tác lời mới bài bản tài tử và vọng cổ