Bộ NN-PTNT vừa ký Nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu tổ yến chính ngạch qua thị trường tỷ dân này. Đây là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới với nhu cầu khoảng 300 tấn mỗi năm, chiếm 80% thị phần toàn cầu.

Cơ sở nuôi chim yến tại H.Định Quán. Ảnh: Phan Anh
Cơ sở nuôi chim yến tại H.Định Quán. Ảnh: Phan Anh
Trước đó, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BNN-PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, có hiệu lực từ cuối tháng 10 năm 2022. Thông tư này bổ sung sản phẩm tổ yến là đối tượng giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm góp phần kiểm soát chất lượng tổ yến đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Quản lý được cơ sở nuôi
Trước đây, nghề nuôi yến phát triển tự phát, việc cấp phép xây dựng nhà nuôi chim yến cũng chưa có quy định cụ thể nên xảy ra tình trạng nuôi yến trong nhà ở, nhà yến làm gần khu dân cư, trường học... Việc các nhà nuôi yến sử dụng âm thanh dẫn dụ chim yến suốt ngày đêm gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng.
Hiện nay, hoạt động đầu tư và chăn nuôi loài chim trời này dần được quản lý chặt chẽ khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực. Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai cho biết, ở cấp tỉnh, Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của HĐND tỉnh đã quy định rõ khu vực không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Riêng về lĩnh vực chăn nuôi và dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai vẫn thường xuyên kiểm tra về vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh của các cơ sở nuôi yến. Ngành thú y cũng sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu về ô nhiễm vi sinh vật và phân tích các chất tồn dư độc hại trong sản phẩm tổ yến tại các cơ sở nuôi yến theo quy định mới của Bộ NN-PTNT.
Bà Nguyễn Thị Ánh Trang, chủ Cơ sở yến sào Hải Triều (ở xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) chia sẻ, sau một thời gian các cơ sở nuôi yến được đầu tư ồ ạt trên địa bàn tỉnh, hiện việc đầu tư nhà yến tại Đồng Nai đã khá bão hòa. Đa số các cơ sở chăn nuôi yến trên địa bàn tỉnh đang mở rộng đầu tư ở những vùng đất mới và họ đều ưu tiên ở những vùng còn hoang sơ, không tập trung đông dân cư. Trong đó có nguyên nhân việc đầu tư cơ sở nuôi yến mới đã được siết chặt quản lý. Theo bà Trang: “Quy định mới của Bộ NN-PTNT về giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại cơ sở chăn nuôi yến có lợi cho người chăn nuôi. Vì thực tế, ngành chức năng đã tổ chức lấy mẫu tổ yến của cơ sở đi xét nghiệm các chỉ tiêu về ô nhiễm vi sinh vật và phân tích các chất tồn dư độc hại, sản phẩm của cơ sở đều đạt chuẩn. Cơ sở cũng rất chú trọng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh trong chăn nuôi để đàn yến phát triển tốt”.
Người nuôi yến mong được hỗ trợ
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, Nghị định thư xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc bao gồm 16 điều về các quy định đối với nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp chế biến tổ yến, doanh nghiệp xuất khẩu với nhiều yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm, về bao bì, ghi nhãn…
Đối với cơ sở nuôi chim yến, phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và gửi danh sách cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc; phải được cơ quan thú y giám sát dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle. Cơ sở nuôi phải có sổ sách ghi chép nhật ký nuôi chim yến, thu hoạch tổ yến; phải được cơ quan thú y kiểm soát trong quá trình thu hoạch và vận chuyển tổ yến đến doanh nghiệp chế biến.
Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có trên 22 ngàn nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến của Việt Nam khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD. Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao. Riêng Đồng Nai hiện có 933 hộ nuôi yến với 1.002 nhà yến; tập trung nhiều ở các H.Trảng Bom, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán và TP.Long Khánh.
Suốt những năm qua, hầu hết các cơ sở nuôi yến trên địa bàn tỉnh đều tự thu hoạch tổ yến, tự sơ chế và bán ra thị trường. Phần lớn tổ yến thô được các cơ sở nuôi yến bán cho thương lái với giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến. Giá tiêu thụ sản phẩm tổ yến thô thường không ổn định do phụ thuộc vào thương lái.
Việc tham gia xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn Trung Quốc rất được các cơ sở, doanh nghiệp nuôi, chế biến tổ yến trên địa bàn Đồng Nai quan tâm. Tuy nhiên, với quy mô chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở gặp nhiều khó khăn để đáp ứng cả về tiêu chuẩn và quy mô cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp, cơ sở nuôi yến mong muốn các hiệp hội nuôi yến trong tỉnh cũng như của cả nước là cầu nối liên kết các cơ sở nuôi yến nhằm xây dựng chuỗi giá trị tổ yến Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu.