Năm 2022, xuất khẩu nông sản, sản phẩm nông nghiệp đối mặt nhiều khó khăn nhưng các mặt hàng cây công nghiệp có diện tích lớn của tỉnh như cà phê, hồ tiêu vẫn giữ mức tăng trưởng cao.

Kho hàng cà phê của Công ty Cổ phần Intimex Xuân Lộc thuộc xã Xuân Định (H.Xuân Lộc)
Kho hàng cà phê của Công ty Cổ phần Intimex Xuân Lộc thuộc xã Xuân Định (H.Xuân Lộc)
Diện tích cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh như cà phê, tiêu đang giảm mạnh so với trước. Nhưng Đồng Nai vẫn định hướng xây dựng những vùng chuyên canh, thu hút đầu tư chế biến sâu để tăng sức cạnh tranh cho các cây trồng này.
Khó khăn, xuất khẩu vẫn tăng cao
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, năm 2022, xuất khẩu nông sản đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do hệ lụy của dịch bệnh Covid-19, các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy chưa khôi phục hoàn toàn, tình trạng lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại các thị trường thế giới…
Tuy nhiên, xuất khẩu các mặt hàng cà phê, tiêu vẫn tăng trưởng tốt. Cụ thể, trong 11 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê đạt 439 triệu USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái; hồ tiêu đạt 59 triệu USD, tăng hơn 5% so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao (Vicofa), với đà tăng trưởng ấn tượng này, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD trong năm 2022 đã sớm đạt được và hoàn toàn có khả năng đạt kỳ vọng sẽ thiết lập kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Ông Trần Thiện Hai, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Intimex Xuân Lộc thuộc xã Xuân Định (H.Xuân Lộc) cho biết, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê khá thuận lợi, đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Góp phần vào mức tăng trưởng này do giá cà phê xuất khẩu tăng hơn so với cùng kỳ. Nguồn cung cà phê trong nước vẫn khá ổn định.
Với gần 100 ngàn ha, Đồng Nai là một trong số những địa phương của cả nước có diện tích các cây công nghiệp lớn gồm: điều, cao su, cà phê, tiêu… Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, diện tích các cây trồng trên giảm mạnh, trong đó có cà phê, tiêu là những sản phẩm có lợi thế xuất khẩu.
Nhóm cây công nghiệp như: Cao su, cà phê, điều, hồ tiêu…vẫn là những mặt hàng nông sản thế mạnh thuộc danh mục 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Đây cũng là nhóm cây chủ lực Đồng Nai sẽ tập trung phát triển trong Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”. Một trong những nội dung quan trọng của đề án trên là khuyến khích nông dân sản xuất an toàn, đạt chuẩn vào những thị trường khó tính và thu hút đầu tư chế biến sâu.

Nông dân trồng tiêu tại xã Phú Hòa, H.Định Quán kỳ vọng vụ thu hoạch tới, giá hồ tiêu vẫn đạt mức tốt
Nông dân trồng tiêu tại xã Phú Hòa, H.Định Quán kỳ vọng vụ thu hoạch tới, giá hồ tiêu vẫn đạt mức tốt
Diện tích giảm nhưng vẫn giữ thế mạnh xuất khẩu
Theo số liệu từ Sở NN-PTNT, tính đến tháng 6 năm 2022, tổng diện tích cà phê còn hơn 7 ngàn ha, giảm 10 ha so với cùng kỳ năm ngoái; diện tích hồ tiêu còn gần 11,9 ngàn ha, giảm 64 ha so với cùng kỳ. Diện tích các cây trồng trên đều giảm cả hàng ngàn ha so với vài năm trước đó. Nguyên nhân khiến nông dân đua nhau chặt bỏ các cây công nghiệp do lợi nhuận thu về kém hơn nhiều so với các cây trồng khác.
Cà phê từng là một trong những cây trồng thuộc tốp đầu được chọn triển khai dự án cánh đồng mẫu lớn tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như: Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc…Nhưng đến nay, nông dân trồng cà phê tại các vùng chuyên canh này cũng bỏ cây cà phê. Ông Trần Quang Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) cho biết, trước đây, HTX có ký kết hợp đồng với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn cà phê 4C. Nhưng sau vài năm triển khai, diện tích cà phê vẫn giảm mạnh vì các xã viên bỏ cây trồng này, hộ nào còn giữ cũng chuyển sang trồng xen canh với cây ăn trái. Nguyên nhân, lợi nhuận từ trồng cà phê thấp hơn nhiều so với một số cây trồng khác.
Định hướng cho mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế, TS.Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) nhấn mạnh, ở thị trường xuất khẩu, Đồng Nai cần hình thành một số chuỗi giá trị cho nông sản chiến lược đi vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng tới thị trường xuất khẩu chính ngạch, chất lượng cao. Ở thị trường nội địa, Đồng Nai sẽ trở thành nguồn cung ứng nông sản chất lượng cao chủ yếu cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.
Cũng theo TS.Đặng Kim Khôi: “Đồng Nai phải hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - chế biến nông sản; trung tâm dịch vụ - hậu cần thương mại nông sản hàng đầu của vùng cũng như cả nước. Địa phương cần có chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất; chính sách thu hút nông dân, doanh nghiệp đầu tư; đặc biệt cần chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tàu mở đường đột phá cho các chuỗi giá trị chiến lược nông sản thế mạnh của địa phương.