Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên trung, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời đã suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, ông còn là người chiến sĩ cách mạng tiên phong, niềm tự hào của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam.
Hạt nhân lãnh đạo giai cấp công nhân
Chủ tịch Tôn Đức Thắng, bí danh là Thoại Sơn, được nhân dân kính trọng gọi là Bác Tôn, ông sinh ngày 20-8-1888 trong một gia đình trung nông tại xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, trước cảnh “nước mất, nhà tan”, nhân dân chịu sự áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc đã tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm và ý chí của người thanh niên yêu nước Tôn Đức Thắng.
Năm 1907, với hành trang là nhân cách sáng ngời cùng tuổi thanh xuân đầy hoài bão, Tôn Đức Thắng rời quê hương lên Sài Gòn, một trong hai trung tâm kinh tế- chính trị lớn nhất nước ta hồi đó. Tại đây, ông có điều kiện được quan sát, tiếp xúc với nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau. Dù đủ điều kiện để gia nhập giới công chức, thầy chủ nhưng Tôn Đức Thắng lại chọn một con đường hoàn toàn khác: làm thợ.
Năm 1910, Tôn Đức Thắng vào làm công nhân ở Xưởng Krupp thuộc Sở Kiến trúc cầu đường và nhà cửa Sài Gòn. Sau khi hòa mình vào giai cấp công nhân, bên cạnh việc chứng kiến sự bóc lột thậm tệ của giới chủ với anh em công nhân và cuộc sống khốn khó, tối tăm của họ, Tôn Đức Thắng còn nhận thấy sức mạnh to lớn, tiềm tàng trong đội ngũ những người thợ khốn khó này. Và sức mạnh đó chỉ được phát huy khi họ đoàn kết lại và là công cụ duy nhất để họ chống lại sự bốc lột hà khắc, thoát khỏi cuộc sống khốn cùng. Nhận thức được điều đó, Tôn Đức Thắng đã tham gia vận động, tổ chức cho học sinh, thợ thuyền bãi khóa, bãi công để phản đối những quy định hà khắc, đòi tăng lương, giảm giờ làm.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc (Ảnh T.L).
Chọn hướng đi cùng với giai cấp công nhân, từ những cuộc đấu tranh của phong trào công nhân trong nước, Tôn Đức Thắng đã đến với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đến với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Ngày 20-4-1919, binh lính thủy thủ trên chiến hạm Phơrăngxơ tiến hành binh biến, Tôn Đức Thắng là người trực tiếp kéo cờ đỏ phản chiến đã trở thành sự kiện tiêu biểu, ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử phong trào cách mạng thế giới. Sau vụ binh biến ở Biển Đen, trở lại Sài Gòn, Tôn Đức Thắng quyết định thành lập “Công hội bí mật”, tập hợp đông đảo công nhân đấu tranh bảo vệ quyền lợi của anh em công nhân mà tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Xưởng Ba Son năm 1925. Cuộc bãi công đã đánh dấu bước tiến mới của phong trào cách mạng Việt Nam, mở đầu thời kỳ đấu tranh có tổ chức, có ý thức chính trị rõ ràng.
Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn gắn với những thăng trầm lịch sử của đất nước, bắt đầu từ thời kỳ đấu tranh giành chính quyền trước năm 1945 cho đến cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sau ngày thống nhất đất nước, với cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Tôn Đức Thắng đã dốc sức cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đưa đất nước vượt qua khó khăn khi đối mặt với thù trong, giặc ngoài, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chăm lo hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa đất nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, ở cương vị nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng thể hiện rõ nét phẩm chất đạo đức cách mạng. Ông là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Sao vàng.
Trong buổi lễ mừng thọ 70 tuổi và trao tặng Huân chương Sao vàng cho Bác Tôn, Bác Hồ đã nói về người đồng chí, người bạn thân thiết của mình: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là người con rất ưu tú của Tổ quốc… Là một chiến sĩ cách mạng của dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ cách mạng tháng Mười vĩ đại…Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Những bài học thực tiễn sâu sắc
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại nhiều bài học quý báu và vẹn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Điều này cũng đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đúc rút: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người”.
Nhân cách và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng không thể hiện bằng lời, mà bằng chính thực tiễn quá trình hoạt động, hết lòng vì dân. GS.TS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người thực hành xuất sắc nhất những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là hiện thực sống động về đạo đức cách mạng. Ở vai trò nguyên thủ quốc gia, Bác Tôn vẫn luôn tâm niệm mình là người thực thi quyền lực của nhân dân, chứ không phải là quyền lực cá nhân. Điều này vô cùng quan trọng trong thực hành đạo đức của cán bộ ngày nay. Và càng đặc biệt hơn khi Đảng ta đang chú trọng vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm để củng cố niềm tin của dân với Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Còn theo GS.TS. Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, sự nghiệp vẻ vang, con người vĩ đại của Chủ tịch Tôn Đức Thắng bắt nguồn từ sự lựa chọn mang tính bước ngoặt đó là gắn bó với giai cấp công nhân. Sự lựa chọn xuất phát từ lòng yêu nước, sự mách bảo của trí tuệ vượt trội và trái tim nồng nàn yêu nước. Nó đã vạch ra con đường rèn luyện, đấu tranh để chuyển từ người công nhân yêu nước thành người cộng sản, phản ánh đúng quy luật vận động của cách mạng Việt Nam, một sự vận động tự nhiên mà không có bất kỳ sự dẫn dắt nào của lý luận.
Cũng chính sự lựa chọn này đã làm nên người cộng sản của giai cấp công nhân tiên phong, mở đầu cho 20 năm “tắm mình” trong môi trường thợ thuyền, thấu hiểu bản chất và sức mạnh của giai cấp công nhân. Đặc biệt, phẩm chất của giai cấp công nhân đó đã giúp ông hoàn thành các trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó sau này. Và, ngay cả khi trở thành lãnh tụ dân tộc thì trong ông vẫn ngời sáng phẩm chất của giai cấp công nhân. Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trở thành niềm tự hào, để lại nhiều bài học sâu sắc cho tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân ngày nay. Đó là bài học về sự kiên định, kiên trì phấn đấu thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội trong bất cứ hoàn cảnh, thử thách nào; bài học về giữ gìn, bồi đắp bản chất giai cấp, giữ vững lập trường giai cấp công nhân và phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân. Giải quyết hài hòa quan hệ giai cấp và dân tộc, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng và đặc biệt là bài học về sự gắn bó máu thịt của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân…
Thời gian trôi qua nhưng sự nghiệp vẻ vang và phẩm chất cao quý của Chủ tịch Tôn Đức Thắng sống mãi với cách mạng Việt Nam, với phong trào cộng sản và giai cấp công nhân. Chủ tịch Tôn Đức Thắng chính là tấm gương ngời sáng, chân thực nhất để các thế hệ sau noi theo, vững tin vào con đường “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” mà Đảng, Bác Hồ và toàn thể dân tộc ta đã lựa chọn.
Tấm gương mẫu mực
Phát biểu đề dẫn hội thảo “Chủ tịch Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam” diễn ra sáng 18-8, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Hơn 60 năm hoạt động cách mạng đầy gian nan, thử thách, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại nhiều bài học sâu sắc, có giá trị về lý luận và thực tiễn. Đó là sự hy sinh phấn đấu cho lý tưởng của Đảng; cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Dù ở cương vị nào, Người vẫn luôn là tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, tinh thần can trường, đức tính giản dị, liêm khiết để các thế hệ noi theo.
Thảo Nguyên
Tác giả: Lê Thị Phương Uyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập