Dân chủ trong doanh nghiệp: Giải pháp hài hòa quan hệ lao động

Chủ nhật - 19/08/2018 21:28
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trong khi nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc việc tổ chức hội nghị người lao động (NLÐ) và đối thoại tại nơi làm việc theo tinh thần Nghị định 60/2013/NÐ-CP của Chính phủ, xem đây là giải pháp quan trọng và cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, hóa giải khúc mắc và giúp cho doanh nghiệp phát triển, thì một bộ phận doanh nghiệp lại thờ ơ, hời hợt trong thực hiện nội dung này. Hậu quả là quan hệ lao động bất ổn.

Dân chủ, thực chất và hiệu quả

Hội nghị đại biểu NLÐ năm 2018 được Ban giám đốc Công ty TNHH Sơn Hà (TP. Biên Hòa) phối hợp với Công đoàn tổ chức ngay sau ngày nghỉ Tết Dương lịch. Tại hội nghị, Giám đốc công ty thông báo đến NLÐ kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2017; theo đó, công ty đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NLÐ theo quy định của pháp luật, bảo đảm việc làm cho hơn 900 lao động với thu nhập bình quân từ 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hội nghị đã thống nhất, trong năm nay phấn đấu tăng thu nhập bình quân cho NLÐ. Cùng với việc trả lời, giải đáp các vấn đề được tổng hợp từ tổ, xưởng sản xuất, Ban giám đốc và đại diện các phòng, ban, phân xưởng sản xuất, Ban Chấp hành Công đoàn đã ký giao ước thi đua lao động sản xuất.


Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng làm việc với Công ty TNHH Pouchen Việt Nam về thực hiện pháp luật lao động.

Theo Chủ tịch CÐCS Công ty TNHH Sơn Hà Nguyễn Hoài Thanh, mỗi năm công ty có 5 lần đối thoại giữa Ban giám đốc và NLÐ. Hội nghị đại biểu NLÐ được tổ chức đúng quy trình, dân chủ và thẳng thắn. Trong lần đối thoại gần đây nhất, công nhân đề nghị nên áp dụng mức thưởng năng suất cho tổ thay vì thưởng từng cá nhân để mọi người trong chuyền đều có trách nhiệm. Công ty đã thực hiện theo đề xuất của người lao động. Tháng 7 vừa qua, tất cả các chuyền đều được thưởng năng suất, chuyền cao nhất được thưởng 42 triệu đồng và thấp nhất 10 triệu đồng.

Là doanh nghiệp có trên 17.700 lao động nên vấn đề dân chủ tại nơi làm việc được lãnh đạo Công ty TNHH Pouchen Việt Nam coi trọng. Theo đó, hội nghị NLÐ được tổ chức ngay trong tháng đầu năm. Ðều đặn mỗi tháng, công ty tổ chức 4 cuộc đối thoại, trong đó có 2 cuộc đối thoại có lãnh đạo công ty tham gia.

Ông Huỳnh Văn Phụng, Phó giám đốc Nhân sự công ty cho biết, rút kinh nghiệm từ sự việc đầu năm 2016 và cũng thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ, mỗi tháng công ty tổ chức đối thoại với NLÐ 2 lần (Nghị định 60 quy định đối thoại mỗi quý 1 lần). Theo đó, khoảng 100 - 150 NLÐ từ các tổ, xưởng sẽ được lựa chọn tham gia đối thoại luân phiên. Thành phần tham gia đối thoại cũng được cân nhắc để đảm bảo giải đáp được phần lớn khúc mắc của NLÐ. NLÐ tham gia đối thoại được nêu ý kiến về kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp ý về các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, đề đạt tâm tư, nguyện vọng; đồng thời đề xuất các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, an toàn lao động…

Không chỉ duy trì hoạt động đối thoại thường xuyên, ở tất cả các xưởng, các khu sinh hoạt công cộng của công ty đều có thùng thư để NLÐ góp ý bằng hình thức gửi ý kiến. Hằng tuần sẽ có bộ phận đi kiểm tra thùng thư và thông tin của người gửi được giữ kín. Ngoài ra, CÐCS cũng tổ chức đối thoại với NLÐ 2 lần/tháng. NLÐ không nêu ý kiến trực tiếp với Ban giám đốc thì có thể thông qua Công đoàn hoặc gửi vào thùng thư.

Tương tự, tại nhiều doanh nghiệp, hoạt động đối thoại diễn ra hàng tháng, hàng tuần thay vì hàng quý như quy định. Tại Công ty Mabuchi Motor Việt Nam (KCN Biên Hòa 2), định kỳ vào ngày thứ 5, tuần thứ 2 của tháng công ty tổ chức đối thoại; Công ty cổ phần Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2) hằng tuần đều diễn ra việc tiếp xúc, lấy ý kiến NLÐ về các vấn đề liên quan đến đời sống, lao động, việc làm; Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Trảng Bom) hàng tháng có đến 6 lần đối thoại, (gồm 4 buổi đối thoại tại 4 xưởng, một lần đối thoại với cán bộ Công đoàn, các tổ trưởng và một lần đối thoại toàn công ty); Công ty TNHH Changshin (Vĩnh Cửu) cũng tổ chức đối thoại hằng tuần...

Nhờ thực hiện tốt các quy định pháp luật lao động, trong đó có Nghị định 60 nên tại các công ty nói trên việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng, phối hợp giải quyết những vấn đề mà công nhân lao động quan tâm, bức xúc diễn ra thuận lợi. Quan hệ người sử dụng lao động và NLÐ khá hài hòa.

Tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ còn thấp

Thời gian qua, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tập trung hướng dẫn các đơn vị tổ chức hội nghị NLÐ theo hướng bảo đảm điều kiện làm việc, chăm lo đời sống, tạo động lực để NLÐ hăng say làm việc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của LÐLÐ tỉnh, tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLÐ trong 6 tháng đầu năm vẫn còn thấp, đạt khoảng 20%. Ðặc biệt, có doanh nghiệp chưa xây dựng quy chế tổ chức hội nghị NLÐ, quy chế đối thoại và tổ chức đối thoại định kỳ.


 Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Sơn Hà (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa).

Tính đến giữa tháng 8, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch mới có 15/201 đơn vị doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLÐ (đạt tỷ lệ hơn 7%) và 16 đơn vị tổ chức đối thoại định kỳ. Phó chủ tịch thường trực LÐLÐ huyện Lưu Thanh Bình cho biết, nhiều chủ doanh nghiệp viện lý do bận sản xuất, kinh doanh nên chây ì tổ chức hội nghị NLÐ, một số doanh nghiệp thì giao phó cho bộ phận nhân sự, Công đoàn. Trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, từ đầu năm đến nay xảy ra 8 vụ phản ứng ngừng việc tập thể. Trong đó điển hình là vụ việc 100/485 công nhân Công ty TNHH Kyokuto, Nhật Bản ngưng việc 4 ngày (từ ngày 4 đến 8-1) do phía công ty chậm ra thông báo mức thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Theo Phó chủ tịch LÐLÐ huyện, năm 2017 Công ty TNHH Kyokuto gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, vấn đề thưởng cuối năm cũng vì thế mà chậm trễ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tổ chức đối thoại thường xuyên để NLÐ nắm bắt và chia sẻ với doanh nghiệp thì vụ việc có thể đã không xảy ra.

Phó Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Hồ Thanh Hồng cho biết, dịp này, LÐLÐ tỉnh đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy định tại doanh nghiệp, trong đó có nội dung về hội nghị NLÐ và đối thoại tại doanh nghiệp. Qua kiểm tra, một số doanh nghiệp thực hiện khá tốt nhưng vẫn còn doanh nghiệp chưa thực hiện nội dung này.

Ðể dân chủ trong doanh nghiệp thực chất, hiệu quả, góp phần làm giảm đình công, LÐLÐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo LÐLÐ cấp trên hỗ trợ doanh nghiệp và Ban Chấp hành CÐCS xây dựng quy chế phối hợp giữa người sử dụng lao động và Ban Chấp hành CÐCS trong việc thực hiện pháp luật lao động; tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn nắm tình hình và nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ quy định. “CÐCS không phải là phía chủ trì nhưng phải làm tốt công tác tuyên truyền, tham mưu về thời gian, quy trình và phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức hội nghị NLÐ và đối thoại”, Phó Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Hồ Thanh Hồng nhấn mạnh nội dung này trong quá trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại một số doanh nghiệp.

B. Mai

Tác giả: Nguyễn Thị Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây