Khấm khá nhờ nhận dịch vụ làm thuê

Thứ năm - 23/02/2023 09:17
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Hiện trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình vượt khó vươn lên khấm khá nhờ nhận dịch vụ làm thuê trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ đã nhạy bén áp dụng khoa học kỹ thuật và đầu tư mua sắm phương tiện, máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất vườn rẫy, đồng thời còn nhận làm dịch vụ cho các hộ dân trong vùng.

Anh Nguyễn Hoàng Lâm (ấp Đồi Rìu, xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) nhận chăm sóc vườn sầu riêng thuê cho người dân trong vùng
Anh Nguyễn Hoàng Lâm (ấp Đồi Rìu, xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) nhận chăm sóc vườn sầu riêng thuê cho người dân trong vùng

Với cách chọn hướng khởi nghiệp đúng đắn đã giúp họ có nguồn thu nhập ổn định mỗi năm từ 250-500 triệu đồng.

Dịch vụ chăm sóc vườn sầu riêng, mai để chơi Tết

Câu chuyện chăm sóc vườn sầu riêng thuê đem lại thu nhập khá của nông dân trẻ Nguyễn Hoàng Lâm (32 tuổi, ngụ ấp Đồi Rìu, xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) đáng nể phục. Anh Lâm cho hay, hiện gia đình anh có gần 2ha vườn sầu riêng. Trước đây, bố mẹ anh làm vườn theo kiểu truyền thống, dẫn đến hiệu quả không cao. Năm 2018, khi bố mẹ già “bàn giao” lại việc quản lý khu vườn thì anh bắt đầu nghĩ đến phương pháp mới để chăm sóc vườn cây đạt hiệu quả cao hơn.

Hàng ngày, anh Lâm thường dành thời gian rảnh để tìm tòi, học hỏi cách chăm sóc cây sầu riêng trên mạng; đồng thời, tích cực đăng ký tham gia các lớp tập huấn về mô hình chăm sóc mới do Hội Nông dân địa phương tổ chức. Nhờ đó, anh đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư để thay đổi sản xuất kinh tế vườn của gia đình.

Anh Lâm cũng chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bằng cách đầu tư mua sắm máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất để giảm nhân công lao động, tăng hiệu quả trong công việc. Vườn sầu riêng của gia đình anh trong nhiều năm liền được xem là “mô hình mẫu” trong vùng, luôn tươi tốt và cho năng suất cao. Sau khi trừ các chi phí, vườn sầu riêng gia đình anh còn lời mỗi năm từ 250-350 triệu đồng.

Với cách làm hiệu quả trên, những năm qua, anh Lâm đã được nhiều hộ dân trong vùng tin tưởng thuê làm công việc chăm sóc vườn sầu riêng cho họ. Anh được bà con thuê làm “trọn gói”, từ phát cỏ dọn vườn, bón phân cho đến tưới tiêu, chữa bệnh cho cây trồng… Công việc chăm sầu riêng thuê diễn ra quanh năm cho đến khi cây cho thu hoạch trái thì mới bàn giao lại cho chủ. Chính công việc làm thêm này đã giúp cho anh có thêm khoản tiền tương đối khá cho mỗi năm.

Ông Nguyễn Hữu Tâm (57 tuổi, ngụ Khu Kim Sơn, TT.Long Thành, H.Long Thành) cũng một gương nông dân điển hình làm kinh tế giỏi. Ông có nhiều kinh nghiệm đúc kết ra “bí quyết” chăm mai ra hoa đúng dịp Tết.

Đưa chúng tôi đi dạo một vòng khu vườn rộng 2.000 m2 với hơn 400 cây mai lớn nhỏ, ông Tâm cho hay, ông gắn bó với nghề trồng, chăm sóc mai Tết đã hơn 20 năm. Trước đây, ông trồng mai theo phương pháp truyền thống nhưng hiệu quả mang lại không cao. Mai thường ra ít nụ, hoa nở không đẹp và mau tàn. Từ đó, ông quyết định tìm hướng đi mới cho loại cây này.

Năm 2016, ông Tâm bắt đầu dành nhiều thời gian tìm hiểu đọc sách, báo, đồng thời đi tham quan các mô hình trồng mai hiệu quả để học hỏi, đúc kết kinh nghiệm. Sau đó, ông đã mạnh dạn chuyển sang áp dụng phương pháp chăm sóc mới thì kết quả mang lại khá tích cực. Cây mai trong nhiều năm liền đều sinh trưởng tốt và cho ra nụ nhiều, hoa màu đẹp, lâu tàn vào dịp Tết.

Năm 2021, ông Tâm mạnh dạn đem giải pháp chăm sóc cây mai ngày Tết mang lại hiệu quả của mình tham dự hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai với mục đích giao lưu, học hỏi. Kết quả, giải pháp của ông đã lọt “trong tốp” có giải thưởng và được các chuyên gia đánh giá cao. Các chuyên gia có đóng góp ý kiến nhằm giúp giải pháp của ông được hoàn thiện hơn.

“Tiếng lành đồn xa”, biết ông Tâm có nhiều kinh nghiệm chăm mai Tết, nhiều người dân trong vùng đã tin tưởng đem cây đến nhờ ông chăm sóc. Nhờ đó, nghề chăm sóc mai thuê đã đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình ông. Điều kiện kinh tế gia đình ông nhờ đó ngày càng phát triển hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Tâm cho biết, để vườn mai luôn xanh tốt, ra nụ sai và nở hoa đẹp đúng vào dịp Tết là việc không hề dễ dàng, mà đòi hỏi người trồng phải chăm sóc cẩn thận và cầu kỳ, tỉ mỉ suốt cả năm chứ không chỉ chăm vào những ngày cận Tết là xong. Hơn nữa, nghề này đòi hỏi người trồng phải có niềm đam mê và chịu khó tìm tòi, học hỏi thì mới thành công.

Gặt lúa thuê bằng máy cho thu nhập cao

Vợ chồng anh Thổ Dĩ - chị Thổ Thị Lan là một hộ nông điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Chơro tại KP.Ruộng Lớn (thuộc P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) bởi sự siêng năng, vượt khó. Dù xuất thân từ gia đình khó khăn nhưng anh chị vẫn không mặc cảm tự ti mà luôn phấn đấu tìm mọi cách để vươn lên làm giàu bằng nghề cày thuê, cắt lúa thuê.

Anh Thổ Dĩ cho biết, sinh ra trong một gia đình nghèo có đông anh em nên anh phải nghỉ học sớm, ở nhà làm việc để phụ giúp gia đình. Năm 1998, anh Thổ Dĩ và chị Thổ Thị Lan cưới nhau và được cha mẹ cho ra riêng với 3 sào ruộng. Ngoài ra, anh chị còn được bên Đoàn Thanh niên P.Bảo Vinh hỗ trợ xây tặng căn nhà tình thương; nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn bên ngân hàng chính sách mua 1 con bò giống để đầu tư làm ăn.

Nhờ sự cần cù và biết tính toán làm ăn có hiệu quả, kinh tế gia đình của vợ chồng anh Thổ Dĩ ngày càng phát triển đi lên. Hai vợ chồng hiện đã có cơ ngơi vững chắc, nhà cửa khang trang và sở hữu hơn 7ha ruộng và thuê thêm 13ha đất để canh tác trồng lúa 3 vụ/năm. Ngoài ra, anh chị còn có 2 máy gặt đập liên hợp và 5 máy cày tổng trị giá gần 3 tỷ đồng.

Ngoài làm ruộng nhà, vợ chồng anh Thổ Dĩ còn nhận làm dịch vụ cày thuê và cắt lúa thuê đã hơn 10 năm nay. Cắt lúa thuê bằng máy gặt đập liên hợp hiện được xem là một nghề “ăn nên làm ra”, vì nó đã mang lại nhiều lợi ích như: chi phí thấp, làm nhanh gọn, ít bị thất thoát lúa mà lại tăng lợi nhuận cho bà con nông dân. Do đó, người dân địa phương tỏ ra hài lòng khi thuê dịch vụ này. “Không chỉ nhận làm ở cánh đồng xã nhà, tôi còn đưa máy đi gặt lúa thuê ở các vùng lân cận. Mức thu nhập tất cả các khoản từ 400-500 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ các chi phí. Dù công việc khá vất vả nhưng nghề này đã giúp gia đình có việc làm ổn định quanh năm và đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình” - anh Thổ Dĩ bộc bạch.

Chủ tịch Hội Nông dân P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh) Nguyễn Thành Ngọc nhận xét, nhiều năm liền anh Thổ Dĩ được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Anh đã nhạy bén trong tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại để áp dụng vào trong sản xuất nông nghiệp, từ khâu làm đất cho tới khâu thu hoạch đều được sử dụng bằng máy móc, rất nhanh gọn, hiệu quả.

Tác giả: Nhân Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây