Trong những năm qua, ngành Y tế luôn quan tâm hỗ trợ những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin bị khuyết tật tại địa phương vượt qua khó khăn, cải thiện chất lượng cuộc sống.
BS. Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Long Thành cho biết, hiện toàn huyện có trên 2.200 người khuyết tật trong đó có gần 500 người có nhu cầu phục hồi chức năng (PHCN), hơn 400 người có nhu cầu khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Từ năm 2008, huyện Long Thành là một trong ba địa phương được triển khai dự án PHCN tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc da cam nhằm giúp họ cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng thông qua các biện pháp can thiệp kỹ thuật phục hồi chức năng, cung cấp các dụng cụ trợ giúp, chuyển giao kiến thức… “Chúng tôi đã cấp hơn 300 dụng cụ bao gồm xe lăn, xe lắc, ghế bại não, máy trợ thính… cho người khuyết tật. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp đào tạo nghề cho nhiều người khuyết tật có việc làm thường xuyên”, BS. Văn Văn nói.
Hằng năm, TTYT huyện tiến hành lập hồ sơ quản lý, theo dõi, sàng lọc sức khỏe nhằm phát hiện các dị tật ở trẻ sơ sinh để có kế hoạch can thiệp kịp thời, hiệu quả. Mỗi xã đều có chuyên trách chương trình PHCN là y sĩ y học cổ truyền đã được đào tạo và lực lượng cộng tác viên ấp chịu trách nhiệm hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho người nhà, qua đó người khuyết tật được tập phục hồi ngay tại nhà và có điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ngoài ra, thông qua Hội Chữ thập đỏ huyện, TTYT huyện Long Thành đang hỗ trợ 5 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn (200.000 đồng/người/tháng). Nguồn kinh phí này đều trích từ nguồn quỹ do cán bộ viên chức của trung tâm đóng góp bằng cách trích 1 ngày lương/quý.
Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa đến thăm và tặng quà cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại phường Quang Vinh
Ngoài huyện Long Thành, nhiều năm nay, TTYT huyện Vĩnh Cửu, TTYT TP. Biên Hòa cũng hỗ trợ thường xuyên cho trẻ em, người lớn bị khuyết tật do dioxin. Riêng TTYT TP. Biên Hòa từ năm 2015 đến nay đã hỗ trợ 5 trẻ bị khuyết tật, với số tiền 60 triệu đồng.
Bà Vũ Thị Kim Lý (58 tuổi, ở phường Hòa Bình, TP. Biên Hòa) cho biết, chồng của bà bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã mất năm 2014. Vợ chồng ông sinh được hai người con, trong đó con gái đầu hoàn toàn bình thường, hiện đã lập gia đình và có hai cháu. Đến năm 1992, bà Lý sinh con thứ hai nhưng không lâu sau phát hiện bị di chứng do chất độc da cam. Dù con bà đã 27 tuổi nhưng bị liệt hoàn toàn hai chân không thể đi lại được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người thân hỗ trợ. “Hằng tháng, gia đình tôi được địa phương hỗ trợ 600.000 đồng, TTYT Biên Hòa hỗ trợ thêm 200.000 đồng/tháng nên cũng đỡ phần nào. Năm 2018, con còn được một nhân viên của TTYT TP. Biên Hòa tặng một bộ máy tính”, bà Lý chia sẻ.
Bà Phùng Thanh Trúc (57 tuổi, trú tại phường Quang Vinh, TP. Biên Hòa) có chồng là thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc da cam. Năm 1992, bà Trúc sinh con nhưng không may bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố với hội chứng đầu to và não úng thủy. Cuộc sống gia đình bà rất khó khăn do thu nhập không ổn định. “Hằng tháng, TTYT TP. Biên Hòa có hỗ trợ gia đình. Tôi mong chính quyền hỗ trợ thêm cho gia đình thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh, giảm bớt chi phí”, bà Trúc bày tỏ.
Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Đàm Đức Chính cho hay, công tác xã hội từ thiện luôn được các cấp Công đoàn ngành Y tế quan tâm. Hằng năm, Công đoàn ngành đều phát động cán bộ công nhân viên toàn ngành đóng góp kinh phí cho quỹ vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh. Bên cạnh đó mỗi đơn vị bằng các việc làm thiết thực khác đã hỗ trợ giúp đỡ gia đình các nạn nhân bị chất độc da cam tại địa phương mình… Tất cả những hoạt động trên đã góp phần giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
P.V