Tỉnh Đồng Nai là một trong những trọng điểm còn tồn dư nhiều chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hơn 40 năm qua, hậu quả nặng nề do chất độc quái ác này vẫn hiện hữu trong nhiều gia đình nạn nhân, nhiều người mắc bệnh nan y, dị dạng, dị tật bẩm sinh, truyền đến cả đời con và đời cháu…
Thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 14.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 9.160 người là nạn nhân chất độc da cam; trên 3.300 nạn nhân là người hoạt động kháng chiến và con của họ; hàng ngàn nạn nhân là dân thường và nhiều nạn nhân đã mất... Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, tạo điều kiện để nạn nhân da cam/dioxin vượt lên hoàn cảnh, chiến thắng bệnh tật đã và đang được cả cộng đồng cùng vào cuộc.
Những tấm lòng nhân ái
Dịp kỷ niệm 58 năm ngày thảm họa da cam và Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam năm 2019, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vừa tổ chức lễ tri ân những tấm lòng nhân ái, nhiều năm hỗ trợ, chung tay cùng tổ chức Hội xoa dịu nỗi đau da cam; giúp những nạn nhân và gia đình có nạn nhân thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Đến nay, 90 gia đình và nạn nhân da cam/dioxin của các địa phương trong tỉnh đều dành sự tri ân, biết ơn đối với nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng Đỗ Hữu Tài. Thấu hiểu và chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh do thảm họa da cam, nhiều năm nay, các thành viên trong gia đình ông Đỗ Hữu Tài đã tài trợ thường xuyên cho 50 nạn nhân và gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn với mức bình quân 400.000 đồng/tháng/nạn nhân và hỗ trợ sinh kế cho 5 hộ nạn nhân bằng việc trao bò giống. Chia sẻ những việc làm của mình, ông Tài nói: “Thực tế nhiều nơi trong tỉnh, nạn nhân da cam và gia đình họ rất khó khăn, giúp đỡ họ được điều gì xoa dịu bớt đi những nỗi đau thì chúng ta nên làm”.
Nghĩa cử của ông Đỗ Hữu Tài đã tác động đến toàn thể cán bộ, giảng viên trong trường cùng chung tay vì nạn nhân da cam. Đến quý II-2019, Trường đại học Lạc Hồng đã trợ cấp thường xuyên mức 400.000 đồng/nạn nhân/tháng cho 40 trường hợp, chưa tính 50 trường hợp được gia đình ông Đỗ Hữu Tài hỗ trợ thường xuyên.

Đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Biên Hòa
Nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân tích cực tham gia cùng Hội chung tay chăm lo cho nạn nhân và gia đình nạn nhân. Điển hình như bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu; bà Hồ Thị Liên Chi, phường Hiệp Hòa; bà Huỳnh Thị Lan; ông Ngô Quang Minh, phường Quyết Thắng (TP. Biên Hòa) cùng nhiều cá nhân khác gần 10 năm bền bỉ đồng hành giúp nạn nhân da cam/dioxin; họ thực sự có tấm lòng nhân ái, tiếp tục hỗ trợ để nạn nhân và gia đình nạn nhân vươn lên trong cuộc sống.
Cùng với đó còn có các đơn vị như: CĐCS Công ty Changshin Việt Nam đã vận động người lao động đóng góp, ủng hộ từ 350 - 400 triệu đồng/mỗi năm; Công ty CPHH Vedan Việt Nam xây dựng, trao tặng 2 căn nhà nhân ái mỗi năm. Công đoàn ngành Giáo dục là đơn vị gắn bó với Hội gần 10 năm trong hỗ trợ học bổng cho học sinh là nạn nhân, con, anh, chị, em ruột của nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Phong Thái như: Công ty TNHH giày Dona Standard Việt Nam, Công ty TNHH Đông Phương Đồng Nai Việt Nam, Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam, Công ty TNHH giày Đồng Nai Việt Vinh hằng năm cũng hỗ trợ hàng trăm suất học bổng cho con em nạn nhân chất độc da cam có điều kiện đến trường…
Chung tay giúp nạn nhân da cam/dioxin vươn lên
Không phụ lòng cộng đồng chung tay hỗ trợ, nhiều nạn nhân da cam đã nỗ lực vươn lên, vượt qua hoàn cảnh, đạt nhiều thành tích trong học tập, lao động. Trường hợp Lê Ngọc Tấn Anh (huyện Định Quán) là một ví dụ. Mới sinh ra, Tấn Anh đã mắc chứng bại não do di chứng da cam để lại. Được sự động viên của gia đình, sự trợ giúp của cộng đồng, đặc biệt là người cha suốt thời gian qua, Tấn Anh đã vươn lên chiến thắng bệnh tật, đạt học sinh giỏi liên tục 12 năm liền và hiện đang chuẩn bị bước vào năm thứ 4, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Tấn Anh chia sẻ, sinh ra ai cũng muốn mình là người lành lặn nhưng do hậu quả chất độc quái ác nên Tấn Anh cùng nhiều trường hợp khác trở thành nạn nhân. “Tôi luôn nghĩ dù trong hoàn cảnh nào cũng phải nỗ lực vươn lên chiến thắng tật nguyền và không phụ công sức chăm sóc của cả cộng đồng, nhất là người cha của tôi”, Tấn Anh nói.
Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng nỗi đau còn dai dẳng, đeo bám gia đình vợ chồng ông Phan Thanh Chính và bà Đỗ Thị Hạnh (xã Long Phước, huyện Long Thành). Hậu quả của thứ chất độc quái ác là cả hai vợ chồng ông bà đều bị mất sức khỏe từ 73 đến 81%. Ngay cả đứa con Phan Thành Thật, niềm hy vọng của vợ chồng ông, bà cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ chất độc da cam/dioxin với tỷ lệ giám định suy giảm sức khỏe trên 83%, bị bại não, tay, chân co quắp, không nói, không đi, chỉ nằm một chỗ...

Trường đại học Lạc Hồng tặng quà trợ cấp thường xuyên cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại huyện Định Quán
Khó khăn là vậy nhưng bà Hạnh luôn nỗ lực vươn lên trở thành tấm gương cho nhiều gia đình có hoàn cảnh như gia đình bà. Bà là hội viên cựu chiến binh gương mẫu, làm kinh tế giỏi của xã Long Phước, chăm chồng, lo cho con bệnh tật vì chất độc hóa học. Gia đình bà đã đóng góp gần 200 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn trong ấp, ủng hộ Hội Khuyến học của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã trên 20 triệu đồng cùng nhiều hoạt động xã hội, từ thiện khác. Nói về nỗi khổ của nạn nhân da cam, bà Hạnh cho hay, bản thân bà, chồng và con đều là nạn nhân của chất độc da cam nên bà thấu hiểu nỗi đau biết chừng nào. So với nhiều hoàn cảnh khác, bà thấy mình còn may mắn nên phải tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ để cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam...
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đồng Nai Đào Nguyên cho rằng, với sự hỗ trợ của cả cộng đồng, nhiều tấm gương nạn nhân da cam/dioxin đã vươn lên chiến thắng bệnh tật, hỗ trợ người khó khăn hơn mình, trở thành những người “tàn nhưng không phế” như trường hợp của nạn nhân, cựu chiến binh Đinh Văn Phong ở huyện Thống Nhất, ông Trần Minh Thư (huyện Vĩnh Cửu); ông Trần Hoài Phi (huyện Cẩm Mỹ); ông Nguyễn Cao Lộc (TP.Long Khánh)… Theo bà Đào Nguyên, bên cạnh những chương trình hỗ trợ, đồng hành nhằm xoa dịu nỗi đau da cam/dioxin trên địa bàn, năm 2019, các cấp Hội có nhiều hoạt động hỗ trợ sát thực tế như mua sắm vật dụng gia đình, hỗ trợ con giống, cây giống, xây dựng nhà nhân ái... chung tay, tạo điều kiện giúp đỡ nạn nhân và gia đình họ vơi đi khó khăn, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10-8) năm nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tổ chức 6 đoàn đến thăm, tặng 630 phần quà (600.000 đồng/phần) cho nạn nhân, gia đình nạn nhân các địa phương trong tỉnh; đồng thời khảo sát nhu cầu cuộc sống của các gia đình nạn nhân để có phương thức hỗ trợ, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Trước đó, Hội tổ chức tri ân nhiều tập thể, cá nhân điển hình nhiều năm đồng hành cùng Hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; trong đó có nhiều tập thể, cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Nguyệt Hà