Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ở Biên Hòa và Vĩnh Cửu

Thứ năm - 08/08/2019 22:44
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Chiều 8-8, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đã chủ trì cuộc họp với UBND TP. Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu cùng các sở, ngành để thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn 2 địa phương. Cùng dự có Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh.

Nhiều dự án lớn quy mô hàng ngàn tỷ đồng
Theo báo cáo của Ban cán sự Ðảng UBND tỉnh, hiện tại trên địa bàn TP. Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu có nhiều dự án trọng điểm, cấp bách cần phải được đẩy nhanh tiến độ thực hiện với số vốn hàng ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, TP. Biên Hòa có 6 dự án trọng điểm, gồm: đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đến QL 1K vốn đầu tư 518 tỷ đồng; đường trục trung tâm TP. Biên Hòa và cầu Thống Nhất cần 2.782 tỷ đồng; đường ven sông Cái hơn 3.500 tỷ đồng; đường ven sông Ðồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến huyện Vĩnh Cửu) 1.842 tỷ đồng; 2 tuyến đường chống ùn tắc ở phường Trảng Dài và Tân Hiệp tổng mức đầu tư dự kiến 916 tỷ đồng và Hương lộ 2 (xã An Hòa và xã Long Hưng).
 


Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

 
 Tương tự, huyện Vĩnh Cửu cũng có các dự án lớn là đường ven hồ Trị An 146 tỷ đồng; đường và cầu Bạch Ðằng bắc qua sông Ðồng Nai (phối hợp làm cùng tỉnh Bình Dương) 490 tỷ đồng; đường tỉnh 768 đoạn từ cầu Thủ Biên đến thị trấn Vĩnh An; cầu Hiếu Liêm nối với Bình Dương và dự án Safari (xây dựng khu nuôi động vật bán hoang dã tại Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Ðồng Nai).
 Với số vốn lớn lên tới hàng ngàn tỷ đồng, các dự án nói trên được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh và bền vững kinh tế - xã hội của hai địa phương. Ðặc biệt đối với TP. Biên Hòa, 4 dự án đã được UBND tỉnh quyết định chuyển chủ trương đầu tư từ hình thức đối tác công tư (BT quỹ đất) sang đầu tư công để thúc đẩy việc tìm nguồn vốn sớm triển khai thực hiện trong năm 2020.
  Theo lãnh đạo TP. Biên Hòa, thời gian qua, chính quyền thành phố đã cố gắng kêu gọi nhà đầu tư cho các dự án trọng điểm và đã có các nhà đầu tư có năng lực quan tâm đến dự án. Tuy nhiên, do vướng chính sách, cụ thể là Chính phủ tạm dừng hình thức đầu tư BT quỹ đất nên các dự án trọng điểm tại TP. Biên Hòa không triển khai được.
Lãnh đạo TP. Biên Hòa cho rằng, việc tỉnh quyết định thay đổi hình thức đầu tư các dự án này bằng nguồn vốn ngân sách sẽ hy vọng tháo gỡ được các khó khăn thời gian qua.
Tương tự, Bí thư huyện ủy Vĩnh Cửu Trần Trung Nhân cho biết địa phương rất mong muốn các dự án trên địa bàn sớm được thực hiện. Riêng các dự án cầu nối với huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) là cầu Bạch Ðằng 2 và cầu Hiếu Liêm, trong thời gian qua, 2 huyện đã làm việc với nhau để thống nhất một số nội dung liên quan. Ðể có thể sớm triển khai thực hiện, huyện Vĩnh Cửu mong muốn lãnh đạo tỉnh sớm sắp xếp làm việc với tỉnh Bình Dương nhằm đưa ra kết luận chung. Riêng đối với dự án cầu Hiếu Liêm do chưa có trong quy hoạch giao thông và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 nên huyện Vĩnh Cửu đề nghị được bổ sung tạo cơ sở cho địa phương triển khai các công tác pháp lý, hồ sơ. “Một vấn đề hóc búa hiện nay với huyện Vĩnh Cửu là có tới 1.000 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu đang sinh sống trong rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Ðồng Nai. Ðiều đó đòi hỏi phải sớm có giải pháp ổn định cuộc sống của người dân. Dự án đường ven hồ Trị An có mục tiêu thực hiện nhiệm vụ này, tuy nhiên hiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý đối với một dự án thuộc khu vực rừng bảo tồn là rất khó khăn”, ông Nhân cho hay.
 
Kiến nghị mở rộng đường tỉnh 769
 Liên quan đến các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Bí thư Huyện ủy Long Thành Cao Tiến Dũng đề xuất tỉnh xem xét có phương án mở rộng đường tỉnh 769 từ QL 51 đến khu vực giao với hầm chui đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Hương lộ 1. Theo ông Dũng, khi 15.000 hộ dân tái định cư của dự án Sân bay quốc tế Long Thành ra sinh sống tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn thì nơi đây sẽ phát triển như là một thị trấn mới, dân cư đông đúc, nhu cầu giao thông rất lớn. Trong khi đó lối thoát ra trung tâm hiện chỉ có đường 769, do đó huyện Long Thành đề nghị tỉnh xem xét mở rộng tuyến đường 769 và đưa vào các dự án công trình trọng điểm của tỉnh.
 Mặt bằng là điều kiện tiên quyết
 Theo ông Lê Quang Bình, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đơn vị được tỉnh giao làm chủ đầu tư phần lớn các dự án hạ tầng trên địa bàn tỉnh, điều kiện tiên quyết nhất để đẩy nhanh tiến độ các dự án vẫn là phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). “Một số dự án trước đây, các chủ đầu tư rầm rộ triển khai khởi công, thi công nhưng đến một thời gian thì “dậm chân” tại chỗ và chậm tiến độ kéo dài. Nguyên nhân chính là do mặt bằng dây dưa không dứt điểm. Rút kinh nghiệm, đề nghị các địa phương phải tích cực triển khai, tốt nhất là phải giải phóng được 70% mặt bằng rồi khởi công thì tiến độ thi công mới có thể đảm bảo”, ông Bình đề nghị.
 


Tuyến đường Hương lộ 2 đoạn qua xã Long Hưng đã được doanh nghiệp đầu tư, đoạn đầu tuyến đường này sẽ được đầu tư bằng ngân sách tỉnh

   

Ðối với TP. Biên Hòa, dự kiến trong năm 2020 sẽ khởi công 4 dự án trọng điểm, do đó hiện nay thành phố đang khẩn trương chuẩn bị các khu tái định cư phục vụ công tác GPMB. Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết có khoảng 1.100 hộ dân sẽ phải tái định cư khi thành phố thực hiện các dự án, trong đó, đường ven sông Cái là dự án có số lượng hộ dân tái định cư lớn nhất với 500 hộ.

Ðể phục vụ GPMB, TP. Biên Hòa dự kiến bố trí 1.000 hộ dân này vào 4 khu tái định cư tại các phường: Bửu Long, Hiệp Hòa, Bửu Hòa và Thống Nhất. 100 hộ còn lại sẽ tái định cư tại xã Long Hưng và Tam Phước. Thuận lợi là 4 khu tái định cư nêu trên đều là những khu đất công, số nhà dân sinh sống trong khu vực không lớn nên công tác GPMB để xây dựng hạ tầng các khu tái định cư có thể thuận lợi hơn các dự án khác.
 Khẳng định cần phải chuẩn bị tốt các khu tái định cư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu TP. Biên Hòa rà soát lại các khu đất công nêu trên, nếu có khó khăn, vướng mắc phải sớm được tháo gỡ. Trong đó, xem lại quy hoạch chi tiết tại các khu vực dự kiến bố trí tái định cư, nếu đã có quy hoạch thì sớm triển khai xây dựng hạ tầng, nếu chưa có thì phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ trong khu vực.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường khẳng định, các dự án trên địa bàn 2 địa phương, đặc biệt là ở TP. Biên Hòa rất cấp bách, cần phải được thực hiện ngay. Sở dĩ một số dự án phải chuyển qua đầu tư bằng ngân sách tỉnh là do thời gian qua đã chờ đợi quá lâu khi kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách. Nếu tiếp tục chờ đợi thì sẽ lãng phí nguồn lực và cơ hội phát triển, kéo theo sự chậm phát triển của các khu dân cư, khu đô thị và thất thu ngân sách.
 Theo Bí thư Tỉnh ủy, thời gian tới, huyện Vĩnh Cửu cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chuẩn bị hồ sơ, pháp lý và phương án để đầu tư các dự án trên địa bàn. Riêng TP. Biên Hòa phải tập trung ngay cho công tác tái định cư 4 dự án trọng điểm sẽ được triển khai từ năm 2020. “Quan trọng nhất hiện nay là công tác tái định cư các dự án ở TP. Biên Hòa, bởi thực tế triển khai nhiều năm qua đây là công tác làm rất chậm. Nhiệm vụ của thành phố là phải đẩy nhanh tiến trình thực hiện tái định cư, song song đó các sở, ngành triển khai hoàn thiện các thủ tục pháp lý chuẩn bị đầu tư dự án. TP. Biên Hòa cũng phải quản lý tốt các quỹ đất xung quanh các tuyến đường, quy hoạch theo dự án tránh để người dân xây dựng tự phát làm mất mỹ quan đô thị cũng như lãng phí thu hút đầu tư về sau”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường chỉ đạo.
  

Nghiên cứu tách dự án lớn thành các dự án thành phần

 “Đối với một số dự án lớn, nguồn vốn lên tới hàng ngàn tỷ đồng cần tính toán thật kỹ lưỡng phương án đầu tư, tính khả thi của các phương án. Có thể nghiên cứu tách một dự án lớn thành các dự án thành phần nhỏ hơn để thực hiện theo từng công đoạn. Bởi như vậy, khả năng sẽ dễ triển khai hơn, chẳng hạn như dự án đường trục trung tâm và đường ven sông Cái ở Biên Hòa”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh gợi ý.
 Văn Gia

Tác giả: Vương Văn Thế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây