Hỗ trợ người dân tự tạo việc làm

Thứ năm - 29/09/2022 15:08
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Giúp dân tạo sinh kế là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước hướng đến. Không nằm ngoài nhiệm vụ trọng tâm này, các tổ chức hội từ thiện nhân đạo xã hội, cơ quan thực hiện chính sách tín dụng cũng đưa mục tiêu hỗ trợ người dân xây dựng sinh kế là mục tiêu trọng tâm trong chương trình công tác.

Điều này góp phần cùng cả hệ thống chính trị nâng cao đời sống người dân, giảm hộ nghèo.

Bà Điểu Thị Đình (dân tộc Chơ ro, xã Túc Trưng, H.Định Quán) bên đàn bò của gia đình từ vốn vay chính sách
Bà Điểu Thị Đình (dân tộc Chơ ro, xã Túc Trưng, H.Định Quán) bên đàn bò của gia đình từ vốn vay chính sách

Nhiều nguồn lực hỗ trợ

Trong đó, ngày càng có nhiều nguồn vốn được huy động thông qua xã hội hóa cũng như ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho người dân tự tạo việc làm.

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên, hiện chi nhánh đang thực hiện cho vay số tiền trên 4,5 ngàn tỷ đồng với 109,3 ngàn khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Riêng với chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nhu cầu trong năm 2022 và 2023 là trên 750 tỷ đồng.

Trong đó, năm 2022, qua khảo sát người dân có nhu cầu vay 450 tỷ đồng để tự tạo việc làm. Riêng với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 có nhu cầu vốn 22 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022, cần có 10 tỷ đồng để đáp ứng nguyện vọng vay vốn của đồng bào.

Cũng theo ông Lê Bá Chuyên, để đáp ứng được nguyện vọng tiếp cận vốn vay của người dân đối với 2 chương trình cho vay tín dụng chính sách này, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ phối hợp cùng các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố bổ sung nguồn vốn cũng như rà soát nhu cầu của người dân nhằm không để ai có nhu cầu và đủ điều kiện vay gặp phải sự chậm trễ trong việc tiếp cận nguồn vốn để tạo sinh kế.

Còn theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, mục tiêu trọng tâm trong 5 năm tới của tổ chức Hội là tiếp tục giúp dân tạo sinh kế. Để làm được điều này, tổ chức Hội đẩy mạnh việc huy động thêm ngày càng nhiều nguồn lực cộng đồng, trong đó có thu hút sự quan tâm, chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời, các cấp Hội sẽ chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp thực hiện hoạt động giới thiệu việc làm cho người lao động nhằm trợ giúp người dân tìm kiếm công việc song song với trợ giúp tự tạo việc làm.

Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên, tùy theo nhu cầu làm nghề của người khuyết tật mà hiện mỗi Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp xã, phường, thị trấn đang cho từ 3-5 hội viên vay vốn khoảng 5-15 triệu đồng/người. Riêng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, huyện, thành phố đang trợ giúp vốn cho 99 trường hợp với số tiền trên 1,13 tỷ đồng. Số vốn được người vay sử dụng có hiệu quả, vừa bảo tồn vốn, vừa đem lại lợi nhuận.

Ngoài ra, bằng hình thức vay vốn hoàn lại và không hoàn lại, thời gian qua, CLB Hỗ trợ người khuyết tật vươn lên (Hội Doanh nhân trẻ tỉnh) đã giúp cho 1,6 ngàn người khuyết tật có việc làm phù hợp. Số tiền cho vay do các thành viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh chủ động đóng góp.

Trao cơ hội cho người dân

Nhờ những nguồn vốn vay ưu đãi này mà nhiều gia đình đã có cơ hội về việc làm để xây dựng đời sống.

Ông Nguyễn Công Tiến (ngụ xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu) cho hay, trước đây do thiếu vốn, thiếu đất canh tác nên vợ chồng ông đi làm thuê cho các chủ vườn ươm để nuôi con ăn học. Thông qua nguồn vốn vay được từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông đã đầu tư nuôi nai. Dần dần, khi đã có 7 con nai sinh sản, ông Tiến cùng vợ chăm sóc vật nuôi, thuê đất trồng trọt và thôi làm thuê, thu nhập của gia đình dần ổn định, cuộc sống tốt lên rất nhiều.

Còn ông Nguyễn Hậu (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) bị khuyết tật chân, khả năng vận động của 2 tay cũng khá yếu. Thời gian trước đây, do phải lo cơm nước, đôn đốc con trai học tập nên ông chỉ ở nhà và sống nhờ vào sự giúp đỡ của anh chị em cũng như số tiền trợ cấp hằng tháng của Nhà nước. Vừa qua, sau khi con trai có việc làm, ông cũng muốn tìm việc phù hợp cho bản thân.

Thông qua kết nối của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) đã tiếp xúc để nắm bắt nhu cầu của ông. Qua đó, ông Hậu mong muốn có 1 triệu đồng để làm vốn bán vé số và điều mong muốn này đã được đáp ứng.
“Tôi rất vui khi nhận được sự giúp đỡ này. Số vốn tuy không phải hoàn lại nhưng tôi cố gắng bảo tồn và mỗi ngày sẽ bán hết vé số để có thêm tiền dùng cho sinh hoạt của bản thân cùng con trai” - ông Hậu nói.

Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện, thông qua cuộc vận động Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, đã có gần 14,3 ngàn người được trợ giúp với số tiền trên 38 tỷ đồng. Hình thức hỗ trợ không chỉ là trợ cấp lương thực, thực phẩm mà ngày càng phong phú, có nhiều cách làm hay, sáng tạo như: hỗ trợ tiền mặt đa mục đích, tặng xe máy đã qua sử dụng để mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm, hỗ trợ một phần vốn để mưu sinh bằng nghề bán vé số, buôn bán nhỏ, chăn nuôi gia cầm, hỗ trợ bằng cây con giống… Cùng với đó, thông qua thực hiện dự án Ngân hàng bò, đã có 232 con bò, trị giá 2,8 tỷ đồng, được trao cho các hộ nghèo chăn nuôi.

Tác giả: Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây