Hiệu quả bước đầu trong thực hiện tự chủ tài chính bệnh viện công lập

Thứ ba - 10/11/2020 09:43
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Sau hơn 3 năm triển khai tự chủ tài chính tại 3 bệnh viện công lập trong tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực.
9.11-H2 Bài 3.jpg
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng ngân sách mỗi năm
TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, trước khi thực hiện tự chủ chi thường xuyên về tài chính, mỗi năm ngân sách nhà nước cấp cho bệnh viện số tiền khoảng 60-70 tỷ đồng. Từ khi triển khai tự chủ tài chính, bệnh viện tự làm, tự “sống”. Nếu nguồn thu nhiều sẽ có tiền để chi trả lương hằng tháng, lương tăng thêm, phụ cấp… cho cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên nhiều và ngược lại.
Trong khi đó, trước năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện tự chủ một phần chi thường xuyên. Về lương trả cho cán bộ, công chức, viên chức, bệnh viện vẫn được ngân sách nhà nước cấp cho 32 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, từ khi thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn, bệnh viện phải lo tất cả các khoản từ lương theo ngân sách, lương thêm, hỗ trợ trực, phụ cấp thủ thuật, phẫu thuật, phụ cấp chức vụ, phụ cấp nặng nhọc, độc hại, hiện vật ưu đãi nghề…cho hơn 1,4 ngàn cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên.
Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho biết, sau 3 năm thực hiện tự chủ tài chính, ngoài việc được nhà nước đầu tư nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại, bệnh viện đã được quyền tự tuyển dụng nhân sự, sắp xếp tổ chức bộ máy của bệnh viện, tự chủ tài chính như xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để chi khen thưởng, tổ chức các hoạt động của bệnh viện. Dĩ nhiên những hoạt động này sau khi bệnh viện xây dựng xong phải trình qua cấp có thẩm quyền để được phê duyệt, sau đó mới được thực hiện.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh từ khi thực hiện tự chủ tài chính, ngân sách nhà nước không còn phải cấp cho bệnh viện khoảng 17 tỷ đồng mỗi năm. Toàn bộ nguồn thu của bệnh viện sau khi trừ các khoản nộp cho nhà nước, khấu hao tài sản, đóng thuế đất, thuế doanh nghiệp, các loại quỹ, còn lại bao nhiêu sẽ được dành để trả lương cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên theo quy định của Nhà nước. Số tiền còn dư lại sau khi trả lương được chia đều cho toàn thể gần 800 cán bộ, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện.
Từng bước nâng cao thu nhập của y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện
9.11-H1 Bài 3.jpg
Bệnh nhân được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất sau ca phẫu thuật tim hở
Nhờ việc chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ, công việc mà 3 năm qua, nguồn thu của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất dao động từ 60-70 tỷ đồng mỗi năm. Thu nhập bình quân của một bác sĩ có kinh nghiệm từ 5-7 năm khoảng 12-15 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám, điều trị cho từ 2 ngàn – 2,3 ngàn lượt bệnh nhân ngoại trú và điều trị cho 800-900 bệnh nhân nội trú. Số lượng bệnh nhân chuyển viện, chuyển tuyến giảm rất nhiều.
Trong khi đó, mỗi ngày Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận, khám chữa bệnh cho từ 1,3-1,6 ngàn lượt bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân phải chuyển viện giảm nhiều so với trước. Thu nhập của bác sĩ trong Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh ở mức khoảng 14,6 triệu đồng/người/tháng, điều dưỡng, nhân viên khoảng 7-8 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 20% so với trước khi tự chủ tài chính.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, mỗi ngày điều trị nội trú cho khoảng 1 ngàn người (lượng bệnh mới nhập viện mỗi ngày khoảng 100 người) và từ 2,8 ngàn – 3,1 ngàn lượt bệnh nhân ngoại trú. Năm 2019, nguồn thu của bệnh viện đạt khoảng 1 ngàn tỷ, tăng hơn so với năm 2018. Mức thu nhập của một bác sĩ có kinh nghiệm 5 năm khoảng 12 triệu đồng/tháng, nhỉnh hơn một chút so với trước đây.
“So với mức thu nhập của các bác sĩ ở bệnh viện ngoài công lập, mức thu nhập của các bác sĩ ở bệnh viện công lập không bằng. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ cố gắng triển khai thêm nhiều dịch vụ để có thêm nguồn thu nhập chính đáng cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên… vì một mục đích chung là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đem đến lợi ích cho người dân” – BS Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh, cơ chế tự chủ tài chính đã có những tác động tích cực đến các bệnh viện công lập, đòi hỏi các bệnh viện phải năng động, sáng tạo, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, chủ động huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, thu hút cán bộ y tế, chuyên gia, y, bác sĩ có tay nghề cao. Qua đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Và chỉ khi người bệnh hài lòng, tin tưởng, đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện thì bệnh viện mới có nguồn thu để chi trả lương và các khoản khác cho y, bác sĩ, nhân viên. Thu nhập có đảm bảo đời sống thì các bác sĩ có tay nghề giỏi mới an tâm làm việc lâu dài tại bệnh viện và ngược lại. Đây là vòng tròn khép kín đòi hỏi các bệnh viện công lập phải không ngừng nỗ lực để tiến lên.
Bảo Ngọc

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập

Hôm nay

40,513

Tổng lượt truy cập

555,057,770
Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây