Dù xảy ra đại dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) FDI trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được sản xuất ổn định là do đã chuyển giao công tác quản lý, công nghệ sản xuất cho người Việt và chỉ điều hành từ xa.
Công ty TNHH Công nghiệp Kiến Đạt ở Khu công nghiệp Agtaex-Long Bình (TP.Biên Hòa) đã chuyển giao công nghệ, công tác quản lý cho người Việt
Đến nay các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút đầu tư được khoảng 1.540 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 31 tỷ USD. Hiện đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực nhưng chủ yếu vẫn là công nghiệp.
Chuyển giao kỹ thuật
Thời giam qua, có nhiều doanh nghiệp FDI khi xây dựng xong nhà xưởng, lắp đặt máy móc dây chuyền sản xuất đã đào tạo và chuyển giao cho người Việt quản lý, sản xuất kinh doanh. Chủ DN nghiệp là người nước ngoài chỉ thi thoảng qua kiểm tra, còn lại theo dõi và điều hành từ xa. Đây cũng là điều Chính phủ Việt Nam trông đợi khi thu hút dòng vốn FDI. Vì sẽ có thêm nguồn vốn lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và các lĩnh vực khác, đồng thời người Việt học hỏi, nắm bắt được công nghệ sản xuất tiên tiến từ những nước phát triển.
Ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết: “Công ty Daikan chuyên sản xuất các bảng hiệu, đèn led xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Nhật Bản và vốn 100% của Nhật Bản. Sau khi đi vào hoạt động, từ quản lý cấp cao đến quản lý các dây chuyền sản xuất, chuyên gia và lao động trực tiếp sản xuất đều giao cho người Việt. Chủ đầu tư chỉ điều hành từ xa nên khi dịch bệnh xảy ra, công ty vẫn duy trì sản xuất ổn định”.
Từ cuối tháng 2-2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh có những công ty FDI bị ảnh hưởng nặng nề do chủ DN là người nước ngoài về nghỉ tết âm lịch, sau đó vướng dịch bệnh Covid-19 không trở lại Việt Nam được. Không có giám đốc điều hành, công ty hoạt động cầm chừng, không thực hiện được những đơn hàng lớn và khó. Người lao động trong công ty cũng bị ảnh hưởng vì việc làm ít, thu nhập giảm... Một số DN FDI buộc phải hủy đơn hàng vì quản lý và chuyên gia người nước ngoài chưa qua được.
Bà Lily Lin, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt (100% vốn Đài Loan) ở Khu công nghiệp Agtaex-Long Bình (TP.Biên Hòa) cho hay: “Hầu hết các vị trí quan trọng trong quản lý nhân sự, sản xuất đều được tôi giao cho người Việt Nam làm. Tôi chỉ điều hành từ xa, vì thế tôi có thể về nước vài tháng công ty vẫn hoạt động bình thường”. Bà Lily Lin còn cho biết thêm, ngoài nhà máy ở Đồng Nai còn mở thêm nhà máy khá lớn ở phía Bắc và tuyển lao động người Việt vào đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ, công tác quản lý để họ tự làm và tôi kiểm tra từ xa.
Đón làn sóng đầu tư vào tỉnh
Công ty TNHH Công nghiệp Kiến Đạt ở Khu công nghiệp Agtaex-Long Bình (TP.Biên Hòa) đã chuyển giao công nghệ, công tác quản lý cho người Việt
Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, tới đây Việt Nam trong đó có Đồng Nai sẽ đón làn sóng đầu tư nhiều DN, tập đoàn FDI. Vì Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn giữ mức tăng trưởng dương dù xảy ra đại dịch Covid-19, đồng thời công tác phòng chống bệnh khá tốt. Hiện nay, xu hướng của DN FDI sẽ tuyển lao động người Việt để chuyển giao quy trình sản xuất, quản lý và các chủ đầu tư chỉ điều hành công ty từ xa. Điều này sẽ đem lại thuận lợi cho cả hai bên, các tập đoàn FDI sẽ đảm bảo được sản xuất trong những trường hợp không có mặt tại Việt Nam, phía người Việt sẽ nắm bắt được kỹ thuật, quy trình sản xuất hiện đại với nhiều mặt hàng khác nhau. Như vậy, người Việt sẽ dần làm chủ công nghệ, hạn chế phụ thuộc vào DN FDI.
Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: “Thời gian qua dịch bệnh covid-19 xảy ra khiến nhiều DN FDI gặp khó khăn vì chủ DN, chuyên gia là người nước ngoài về nước chưa trở lại được. Các DN FDI đã giao công tác quản lý, chuyển giao công nghệ cho lao động người Việt khá ổn vì có thể điều hành từ xa. Sau đợt dịch này tôi nghĩ sẽ có nhiều DN FDI chuyển giao công nghệ và vị trí cho người Việt để chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh”.
Gần đây, nhiều DN FDI đã tiến hành tuyển thêm lao động có tay nghề cao để chuyển giao kỹ thuật, công tác quản lý, duy trì sản xuất linh hoạt hơn.
Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai chia sẻ: “Hiện có hơn 300 DN Hàn Quốc đã đầu tư vào Đồng Nai với tổng vốn gần 6,8 tỷ USD và chủ yếu trên lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, có nhiều DN Hàn Quốc đã chuyển giao vị trí quản lý, công nghệ cho người Việt và hoạt động khá hiệu quả. Qua đợt dịch này, sẽ có những DN Hàn Quốc tuyển dụng thêm lao động cho các vị trí quan trọng. Tuy nhiên, lao động người Việt muốn vào được các vị trí trên đòi hỏi phải có kiến thức, trình độ cao về lĩnh vực DN đang sản xuất và giỏi ngoại ngữ”.
Vi Quân