Trong những năm qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, gói sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi để các khách hàng, doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn tín dụng phù hợp theo quy định hiện hành, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên như: cho vay các DN nhỏ và vừa, nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao…
Cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn là một trong những lĩnh vực cho vay ưu tiên. Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại Agribank chi nhánh Đồng Nai
Chủ động dòng vốn cho sản xuất
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến tháng 10-2020, dư nợ cho vay đối với hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 38 ngàn tỷ đồng, dư nợ cho vay đối với DN nhỏ và vừa đạt khoảng 51,3 ngàn tỷ đồng… Dư nợ ở các lĩnh vực này đều đạt mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua.
Với nhiệm vụ là cung ứng vốn cho tổ chức, DN và người dân, nhiều ngân hàng thương mại trong tỉnh, nhất là các ngân hàng lớn đã tăng cường nguồn vốn cho vay đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, hàng công nghiệp; phát triển DN vừa và nhỏ...
Ông Hoàng Mạnh Long, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Biên Hòa cho biết, chi nhánh thường xuyên đẩy mạnh nguồn vốn cho vay đối với các DN xuất nhập khẩu trên địa bàn nói riêng và các hoạt động tín dụng, thanh toán liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung. Trong đó, có nhiều khách hàng lớn ở các lĩnh vực như: giày da, may mặc, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu... Bên cạnh đó, chi nhánh cũng khuyến khích nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên khác khi khách hàng đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định, nhất là đối với DN nhỏ và vừa.
Tương tự, bà Trần Thị Phương Hiền, Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) chi nhánh Đồng Nai cho biết, dư nợ cho vay đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chiếm khoảng 45% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Trong thời gian qua, chi nhánh đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ với các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các chương trình cho vay đối với các DN áp dụng công nghệ xanh, DN, đơn vị sản xuất nông nghiệp sạch, các DN sản xuất xanh, sạch, DN đầu tư dự án năng lượng sạch…. với nhiều lãi suất ưu đãi.
Dư nợ về nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng cao
Theo NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 10-2020, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60,2 ngàn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỉ trọng khoảng 26,8% so với tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có hơn 11,4 ngàn tỷ đồng cho vay không phải đảm bảo bằng tài sản, chiếm tỉ trọng 19% tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Agribank chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, trong những năm qua, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm tỉ trọng cao trong tổng dư nợ cho vay. Cụ thể, tính đến cuối tháng 10-2020 dư nợ cho vay về phát triển nông nghiệp, nông thôn của chi nhánh đạt khoảng 9,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 79% so với tổng dư nợ cho vay của chi nhánh.
Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng dành cho xây dựng nông thôn mới được chú trọng đẩy mạnh, góp phần không nhỏ vào tiến trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của tỉnh nhà. Tính đến cuối tháng 10-2020, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đối với các xã trên địa bàn tỉnh đạt hơn 65,9 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 29% tổng dư nợ cho vay của các tín dụng trong tỉnh.
Ông Trần Văn Tánh, Phó giám đốc HTX hồ tiêu Lâm San (H.Cẩm Mỹ), các kênh tín dụng của ngân hàng hiện là một trong kênh vốn lưu động chính của HTX để đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ mới phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, đạt các chuẩn GAP. Phần lớn các nguồn vốn vay là các khoản vay ngắn hạn với lãi suất từ 8-8,5%/năm.
Đại diện NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, đánh giá, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận vốn, tiết giảm chi phí để có mức lãi suất cho vay phù hợp, tiếp tục miễn, giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ đối với các khách hàng, DN trong các lĩnh vực ưu tiên, nhất là đối với những khách hàng, DN bị tác động bởi dịch Covid-19 trong thời gian qua…
Phan Anh