Giữa dòng chảy xô bồ của cuộc sống hiện đại, những món đồ gỗ cũ, xưa từ hàng chục đến hàng trăm năm tuổi của vợ chồng cô Phúc (ngụ tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã và đang gợi nhớ ký ức, hoài niệm về một thời quá khứ.
Việc lưu giữ các sản phẩm gỗ xưa này không chỉ góp phần gìn giữ nghệ thuật mà còn khơi khơi gợi niềm tự hào, khích lệ thêm nhiều người trẻ tiếp tục bảo vệ những hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử của Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung.
Cô Lương Thị Phúc (ngụ KP.4A, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) giới thiệu cho khách
hoa văn gỗ xưa trên chiếc phản hơn 100 năm tuổi trưng bày tại nhà
Kể chuyện văn hóa, lịch sử…
Cô Phúc cho biết, cô sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm tiểu học, cô vào Đồng Nai công tác tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) từ năm 2007 đến nay. Tại đây, cô gặp gỡ và nên duyên với thầy Lê Xuân Hữu, giáo viên môn Lịch sử của Trường THPT Dĩ An, TP.Dĩ An, Bình Dương. Từ những câu chuyện lịch sử, nhất là câu chuyện về những ngôi nhà cổ với niên đại hàng trăm năm mà chồng chia sẻ đã thôi thúc cô Phúc có ý tưởng để cả hai có cùng đam mê sưu tầm các sản phẩm đồ gỗ xưa, cũ.
“Thời điểm những năm 2012, vợ chồng tôi tranh thủ thời gian nghỉ Tết và nghỉ hè để đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh thu mua đồ gỗ xưa, rồi dần thành ra thông thuộc nơi này, nơi kia. Nhờ hữu duyên mà vợ chồng tôi sưu tập được nhiều sản phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa từ vài chục đến hơn trăm năm. Có sản phẩm chúng tôi được tặng, có sản phẩm phải mua, trong đó phần lớn là các đồ gỗ xưa như: câu đối đại tự, bàn ghế, phản, tủ, sập...” - cô Phúc nói.
Để sưu tầm và phân biệt được những sản phẩm gỗ xưa, vợ chồng cô Phúc thường xuyên tìm hiểu thêm tài liệu trên sách, báo, học hỏi kinh nghiệm của những nhà nhiên cứu, từ cách xem các vân gỗ, họa tiết đến kỹ thuật chế tác qua từng thời kỳ… Căn nhà của vợ chồng cô Phúc nhiều năm nay trở thành điểm đến của những người yêu thích đồ gỗ xưa; không chỉ người lớn tuổi thường xuyên ghé thăm, ôn lại những kỷ niệm của một thời để nhớ, mà có nhiều học sinh, sinh viên đến trải nghiệm, chụp hình lưu niệm.
Cô Phúc bộc bạch: “Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ngoài thời gian dạy học online, vợ chồng tôi ở nhà đảm bảo phòng, chống dịch theo đúng quy định. Mặc dù không đi sưu tầm các sản phẩm đồ gỗ xưa như trước nhưng không vì thế mà chúng tôi “dừng” đam mê này. Vợ chồng tôi sử dụng mạng xã hội để giới thiệu các sản phẩm đồ gỗ xưa của mình cho bạn bè và người thân cùng xem; đồng thời, chúng tôi cũng tìm hiểu và mua thêm các sản phẩm gỗ xưa trực tuyến, rất thuận tiện và nhanh chóng”.
Cô Lương Thị Phúc (bìa trái) giới thiệu cho khách sản phẩm
tại xưởng gỗ xưa, cũ của mình
Lan tỏa đến cộng động
Để không làm mất nét đẹp riêng, giữ hồn cốt của sản phẩm gỗ xưa, mỗi khi tìm được “món hàng” ưng ý, thầy Lê Xuân Hữu phải kỳ công trong khâu “phục hồi”. Thầy Hữu tâm sự: “Các loại đồ gỗ xưa thường làm bằng những loại gỗ rất tốt như: lim, gụ, cẩm lai, đinh hương... Hoa văn họa tiết được chạm trổ trên mỗi sản phẩm công phu, tinh xảo nên khác xa đồ gỗ hiện đại về kiểu dáng. Có những sản phẩm tôi dành vài tháng để “phục hồi”, nhiều sản phẩm sau khi hoàn thiện trở nên sang trọng và giá trị hơn”.
Vài năm trở lại đây, khi các sản phẩm sưu tầm vượt quá số lượng trưng bày tại nhà, vợ chồng cô Phúc - thầy Hữu đã mở thêm xưởng để giới thiệu niềm đam mê văn hóa, lịch sử qua những hiện vật. Xưởng gỗ xưa của vợ chồng cô thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Như cách cô Phúc chia sẻ, ngoài ý nghĩa phong thủy, nhìn gỗ xưa sẽ thấy lòng nhẹ đi nhiều những sân si, nhất là vào mỗi buổi chiều sau giờ làm việc, pha một tách trà, bật máy hát nhạc nhè nhẹ và ngồi yên ngắm gỗ… để cảm nhận cuộc sống bình yên.
Cô Đào Thị Thanh Thư (giáo viên Trường Tiểu học Phù Đổng, P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện nay trên thị trường đồ gỗ có rất nhiều mẫu mã mới, đa dạng và phong phú, nhưng cô vẫn thích tìm về với những sản phẩm đồ gỗ xưa, bởi cả tuổi thơ của cô gắn với những sản phẩm đồ gỗ của ông bà để lại.
“Sau nhiều lần chuyển nhà từ nơi nay qua nơi khác, hiện tôi muốn tìm lại những sản phẩm gỗ xưa gần gũi với những kỷ niệm của gia đình. Đây là những sản phẩm làm thủ công toàn bộ, một số chi tiết không đều nhau nhưng rất sắc sảo. Chất lượng của gỗ xưa cũng khá bền” - cô Thư nói.
Thanh Thanh