Theo thống kê, tỉnh hiện 3.718 hộ nghèo và 3.422 hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có trên 140 trẻ em vừa phải chịu cảnh mồ côi do Covid -19 cùng số lượng rất lớn người nằm trong nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.
Những hoàn cảnh này rất cần được trợ giúp và thực tế đã nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền, cộng đồng bằng nhiều hình thức trợ giúp nhân đạo.
Trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh nhận hỗ trợ hàng tháng
của Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup
Không để người kém may mắn bị bỏ quên
Nhiều năm qua, mỗi tháng anh em nạn nhân chất độc da cam/dioxin Võ Thế Anh (bị bại não) và Võ Thị Thúy Hằng (bị rối loạn tâm thần), ngụ xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc), được hưởng trợ cấp xã hội lần lượt là 600 và 550 ngàn đồng/người. Do cha cũng mắc bệnh, không còn khả năng lao động nên mẹ của các em phải ở nhà chăm sóc và cuộc sống phụ thuộc vào sự giúp đỡ của địa phương.
Để hỗ trợ cho gia đình có đến 2 nạn nhân chất độc da cam và 1 người không còn khả năng lao động này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động và được Công ty TNHH Tân Bửu Long nhận trợ cấp thường xuyên 400 ngàn đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Thiêm, mẹ của các em cho hay, từ năm 2019 đến nay, gia đình có thêm sự trợ giúp hàng tháng từ cộng đồng bên cạnh tiền trợ cấp của Nhà nước. Điều này giúp gia đình có thêm tiền sinh hoạt vơi bớt nỗi lo toan trong cuộc sống.
Hiện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đang thực hiện hỗ trợ hàng tháng cho 356 nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Để có nguồn lực thực hiện công tác trợ giúp nhân đạo này, nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân đã chung tay đứng ra nhận trợ cấp cho nạn nhân thông qua sự kêu gọi của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh.
Còn theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thông qua chương trình Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo do các cấp Hội chữ thập đỏ trong tỉnh chủ trì thực hiện đã trợ cấp cho trên 3 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn. Mỗi năm, thông qua vận động của các cấp Hội, có khoảng 8 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa được huy động để trợ giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với đó, nếu từ năm 2019 trở về trước, tiền trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin được các mạnh thường quân hỗ trợ từ 200-260 ngàn đồng/người/tháng thì nay đã tăng lên 250-400 ngàn đồng/người/tháng. Hay thông qua chương trình Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, mỗi hoàn cảnh được hỗ trợ từ 300-600 ngàn đồng/tháng cùng với gạo, quà. Cá biệt có những mạnh thường quân hỗ trợ từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/tháng/trường hợp. Điều này đã góp phần nâng cao mức sống cho người kém may mắn.
Trợ giúp trẻ mồ côi vươn lên
Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, chị em Lê Uyên Khánh Như (14 tuổi) và Lê Đăng Huy (6 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) cùng lúc mồ côi cả cha, mẹ và mất đi ông bà nội. Hiện cả hai chị em phải sống nhờ sự cưu mang của ông bà ngoại đã già yếu.
Trước đây, bà ngoại đi phụ rửa chén cho các quán ăn. Riêng ông ngoại đi đánh bắt cá tại lòng hồ Trị An với thu nhập từ 50-200 ngàn đồng/ngày. Dịch bệnh xảy ra, hàng quán đóng cửa nên bà ngoại không còn việc làm và phải ở nhà chăm sóc, lo ăn uống cho 2 cháu. Do đó, tiền đánh cá là nguồn thu nhập chính nuôi sống 4 thành viên trong gia đình.
Tương tự, chị em Trần Thị Mỹ Hiền (lớp 6) và Trần Thị Mỹ Duyên (lớp 10) mất cả cha mẹ do dịch bệnh Covid -19. Hiện 2 em đang sống nhờ vào sự thương yêu đùm bọc của người cô ruột tại xã Phú Lợi (H.Định Quán). Nhưng cô ruột của các em còn có nỗi lo riêng cho gia đình mình; lại thêm thu nhập từ công việc làm thuê không ổn định nên về lâu dài khó lòng đảm bảo cho 2 cháu ăn học đến nơi đến chốn.
Thấu hiểu, sẻ chia với những khó khăn của gia đình, bản thân trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, thông qua sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các hội đoàn thể các cấp đã đến thăm, trao tặng tiền hỗ trợ để duy trì việc học về lâu dài cho các em.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho biết, sau thời điểm căng thẳng nhất của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, hàng loạt trẻ em đang tuổi ăn học bị mất đi cha, mẹ và thậm chí cả cha và mẹ. Ngoài việc từ đây sẽ hoàn toàn thiếu vắng tình thương của cha mẹ, các em còn đối mặt với nguy cơ dở dang chuyện học hành, cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do đó, để động viên, giúp các em phần nào vơi đi nỗi đau mất người thân và có điều kiện tiếp tục học tập, cuộc sống đỡ thiếu thốn, nhiều hoạt động chăm lo lâu dài đã được tỉnh triển khai. Trong đó, việc đỡ đầu, hỗ trợ cho các em về chi phí học tập, sinh hoạt hằng tháng nhanh chóng được thực hiện và nhận được sự chung tay hưởng ứng của các cá nhân, tổ chức.
Nguyễn Vân