Những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay FTA Việt Nam - EU (EVFTA)… sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản. Tuy nhiên cũng có nhiều thách thức đặt ra khi sự hội nhập ngày càng sâu, rộng.
Đồng Nai đang phát triển mạnh diện tích chuối cấy mô đáp ứng thị trường xuất khẩu. Đóng gói chuối xuất khẩu tại huyện Trảng Bom. Ảnh: Phan Anh
Nắm bắt cơ hội này, Đồng Nai đang đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại tham gia vào thị trường xuất khẩu nông sản. Ở đây cần giải pháp đồng bộ từ đẩy mạnh kết nối giao thương nhằm đa dạng các kênh tiêu thụ, nâng cao công nghệ chế biến, bảo quản nông sản theo hướng hiện đại…
Cơ hội “vàng”
Các FTA thế hệ mới mở ra cơ hội mới, giúp Việt Nam được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan, đồng thời có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường nào đó.
Cụ thể, với CPTPP, hàng loạt nông sản, sản phẩm thuộc tốp đầu xuất khẩu của Việt Nam như: gỗ, thủy sản và nhiều nông sản chủ lực khác vào các thị trường Ca-na-đa, Nhật Bản, Chi-lê… sẽ được xóa bỏ thuế quan. Dự kiến sau khi có hiệu lực EVFTA, hầu hết các dòng thuế xuất nhập khẩu của các nước tham gia được xóa bỏ trong vòng từ 7 đến 10 năm. Ðáng lưu ý, nhiều mặt hàng như cà phê, hồ tiêu, mật ong tự nhiên, các sản phẩm rau, củ quả…xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định này có hiệu lực.
Một cơ hội khác lớn hơn mở rộng thương mại là hoạt động đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học - công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Khi đã ký CPTPP, một số nước không có lợi thế về nông nghiệp có thể sẽ chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ khoa học kỹ thuật mới, thay đổi cách làm truyền thống, nâng cao hiệu quả.
Những cơ hội này đang được nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn Đồng Nai tiếp cận để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) cho biết, Hợp tác xã đã xuất khẩu thành công mặt hàng chuối tươi vào thị trường châu Âu. Nhu cầu tiêu thụ chuối của thị trường này được dự báo sẽ tăng cao trong 7 năm tới và sẽ chiếm đến 31% thị trường nhập khẩu chuối trên toàn cầu. Đây là động lực để Hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chuối vào thị trường này. Vùng nguyên liệu chuối của Hợp tác xã đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu. Ngoài mặt hàng chuối tươi, hợp tác xã đang đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến.
Vẫn nhiều thách thức

Đồng Nai hỗ trợ hợp tác xã, chủ trang trại làm mã số vùng trồng cho nhiều loại trái cây. Thu hoạch bưởi cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Ảnh: Phan Anh
Tuy cơ hội mở ra rất lớn nhưng thời gian qua, Ngành nông nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như: dịch tả heo châu Phi, biến đổi khí hậu. thị trường nhiều mặt hàng nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn…Đặc biệt, đại dịch Covid – 19 vẫn diễn biến phức tạp làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.
Các FTA được mở rộng cũng có nhiều thách thức được đặt ra. Chỉ ra những khó khăn, thách thức, bà Đặng Thị Thanh Phương, Phó trưởng phòng Trung Quốc, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) nhận xét, nông sản Việt Nam tuy được xuất khẩu đến hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng vẫn đang tồn tại nghịch lý là ngành hàng này còn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc với hơn 73% tổng giá trị xuất khẩu. Ngay cả thị trường Trung Quốc, phần lớn nông sản, trái cây Việt Nam cũng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Những FTA thế hệ mới mang lại triển vọng lớn cho xuất khẩu nông sản nhưng thị trường Á - Âu cũng đang ngày càng trở nên khó tính vì nhiều quốc gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật. “Theo đó, để tham gia vào thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại phải đáp ứng hàng loạt các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm…” - bà Phương nói.
Cùng quan điểm, TS.Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) cho biết, yêu cầu khắt khe và chuyển biến mới của thị trường Á - Âu đòi hỏi doanh nghiệp, Hợp tác xã, nông dân phải thay đổi từ cái gốc sản xuất. Ở đây cần áp dụng các quy trình tiên tiến vào sản xuất thông qua việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng hệ thống quản lý sản xuất để có thể tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn, gia tăng giá trị cho sản phẩm; vượt qua các rào cản phi thuế quan cũng như đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu và thị trường.
Cùng với việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ các thành viên, hàng hóa, nông sản trong nước chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn ngay tại thị trường nội địa. Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ nhận xét, Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, sản lượng heo, gia cầm hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh và các tỉnh, thành khác trong cả nước nhưng thời gian qua, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn vì áp lực cạnh tranh với thịt ngoại giá rẻ được nhập khẩu về ồ ạt.
Phan Anh