Khu đất công thuộc tờ bản đồ địa chính số 27, ấp Bình Ý, xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) do UBND xã quản lý đang bị một cá nhân ủi bờ đất, xây tường gạch, trồng cây nhằm lấn chiếm. Khu đất công này nằm sát đường Bờ Đất, giáp ranh với KP.11A, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa).
Một phần thửa đất công ở ấp Bình Ý, xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) đã bị người lạ đổ đất, xây tường lấn chiếm
Không chỉ lấn chiếm đất công, việc xây tường gạch còn che khuất mặt tiền của các hộ dân phía sau khu đất công này, ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các hộ dân.
Ngang nhiên lấn chiếm đất công
Từ phản ảnh của người dân, UBND xã Tân Bình đã vào cuộc và ghi nhận thực trạng khu đất công này đã bị một số người (chưa rõ lai lịch) lấn chiếm và phân thành 3 khu đất như sau: khu đất thứ nhất có chiều ngang 26,5m và chiều sâu là 12m; khu đất thứ 2 có chiều ngang dọc đường dài 25m và chiều sâu 12m; khu đất thứ 3 có chiều ngang 25m và chiều sâu 12m (tính từ mốc lộ giới ra đường). Hiện người chiếm đất đã xây tường gạch cao khoảng 1m bao quanh các khu đất lấn chiếm.
Ngày 28-4, UBND xã Tân Bình ban hành thông báo đề nghị người lấn chiếm liên hệ chính quyền địa phương, cung cấp đầy đủ giấy tờ liên quan tới công trình vi phạm. Quá thời hạn 5 ngày (từ ngày 29-4 đến 4-5) nếu chủ sử dụng công trình không liên hệ với chính quyền địa phương để giải quyết vụ việc thì sẽ bị xử lý vi phạm vắng chủ theo quy định pháp luật.
Nhiều hộ dân ở ấp Bình Ý rất bức xúc với hành vi ngang nhiên chiếm dụng đất công của những người lạ mặt. Một người dân ở ấp Bình Ý kiến nghị: “Những người này lợi dụng khu vực giáp ranh để xây dựng, lấn chiếm nhằm “biến” đất công thành đất riêng. Nếu không bị ngăn chặn, họ sẽ chuyển nhượng khu đất này cho người khác thì hậu quả sẽ khó lường. Đề nghị chính quyền địa phương xử lý nghiêm” .
Lấn chiếm đất công là vi phạm pháp luật
Theo luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh), trường hợp chiếm dụng đất công của một số người nêu trên vi phạm Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19-1-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai khá rõ nên có cơ sở xử lý. Nghị định 91/2019/NĐ-CP chỉ rõ, hành vi chiếm đất là việc tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép; tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép; sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật…
Tại khoản 1, Điều 14, Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định, trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì bị phạt từ 2-70 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 ha đến từ 1ha trở lên. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì bị phạt tiền từ 3-120 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05ha đến từ 1ha trở lên. Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì bị phạt tiền từ 10-500 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05ha đến 1ha trở lên.
Quỳnh Thư
Ngoài hình thức bị phạt tiền, theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP, người vi phạm trong lĩnh vực đất đai còn bị cơ quan có thẩm quyền buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm. Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất. Buộc thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất, thuê đất. Buộc nộp lại nguồn lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.