Vào năm ngoái, nhiều hoạt động phát triển các kênh bán hàng Việt, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa bị gián đoạn hoặc không thể tổ chức theo kế hoạch do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp.

Một điểm bán hàng Tự hào Hàng Việt Nam tại xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch)
Một điểm bán hàng Tự hào Hàng Việt Nam tại xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch)
Trong những tháng đầu năm 2022, nhiều hoạt động kết nối hàng Việt đã được triển khai, trong đó có việc kết nối, triển khai các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt, các điểm bán hàng OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại các siêu thị… Điều này mở ra thêm nhiều cơ hội mua sắm hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp dành cho người dân, cũng như là một kênh để phân phối, quảng bá hàng Việt, hàng hóa địa phương khá hiệu quả.
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương), với việc mới khai trương thêm 3 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt tại TP.Long Khánh và các huyện: Cẩm Mỹ và Nhơn Trạch trong đầu tháng 6-2022, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở toàn bộ các huyện, thành phố của tỉnh, trong đó có 29 điểm được triển khai từ nguồn kinh phí của tỉnh.
Nhiều người tiêu dùng ở các địa phương vùng sâu, vùng xa chia sẻ mong muốn có thêm nhiều bán điểm bán hàng Việt để người dân có nhiều lựa chọn mua sắm, chọn mua các sản phẩm hàng Việt với giá cả phải chăng, ổn định, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao.
Anh Thân Hoàng Danh, công nhân ngụ xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Tôi thường mua hàng hóa ở các tiệm tạp hóa hoặc ở chợ gần nhà. Đây là kênh mua sắm chính của gia đình vì giá cả phù hợp với mức thu nhập của công nhân lao động, trong khi ở địa phương cũng chưa có nhiều các kênh bán lẻ hiện đại. Do đó, khi trên địa bàn xã triển khai điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam được đầu tư các kệ hàng khá chuyên nghiệp, tôi thấy rất vui mừng vì khi có thêm một điểm bán hàng Việt như vậy sẽ giúp gia đình có thêm lựa chọn để mua các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao với giá cả bình ổn, nguồn hàng phong phú, ổn định”.
Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho hay, trong những năm qua, trung bình mỗi năm Sở Công thương tiến hành khảo sát và triển khai từ 3-5 điểm hàng bán hàng Việt với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại các địa phương trong tỉnh. Các điểm bán hàng này được người dân địa phương đón nhận với nhiều phản hồi tích cực, nhất là ở các xã vùng xa. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương khảo sát, nhân rộng thêm các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam, trong đó tập trung vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong tỉnh để hỗ trợ người dân tiếp cận gần hơn với hàng Việt.