Trong những năm qua, nhiều thương hiệu doanh nghiệp (DN) trong nước đã và đang không ngừng phát triển lớn mạnh, nhận được nhiều sự vinh danh, ghi nhận thông qua các danh hiệu như: Thương hiệu quốc gia, hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC)… Riêng tại Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 5 DN có sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia, 21 DN đạt HVNCLC.

Hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) tại Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố năm 2021
Hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) tại Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố năm 2021
Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) cho hay, công ty đã có hơn 10 lần đạt danh hiệu HVNCLC. Để duy trì kết quả này trong nhiều năm qua, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, công ty còn ngày càng chú trọng công tác truyền thông, tiếp thị, quảng cáo, mở rộng các kênh bán hàng, đặc biệt là kệ hàng ở các chợ bán lẻ; cũng như tham gia các hội chợ, triển lãm để người tiêu dùng biết và nhớ đến thương hiệu của công ty nhiều hơn.
Thương hiệu hàng hóa Việt Nam ngày càng khẳng định được uy tín ở thị trường trong nước. Việc sản xuất đã tập trung phát triển trên nền tảng của khoa học công nghệ, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu hình ảnh Việt là quốc gia có uy tín về hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao. Tuy nhiên, bên cạnh xây dựng tiềm lực về yếu tố cứng như chiến lược, mạng lưới hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, thì thương hiệu quốc gia nên chú trọng thêm đến các yếu tố mềm về chất lượng chuyên môn, nét đẹp văn hóa và tinh thần chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh... để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh, hiện các mặt hàng tiêu dùng khá dồi dào, đảm bảo cung ứng cho người dân, trong đó các sản phẩm hàng Việt chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, sữa, sản phẩm vệ sinh…Ông Lê Thanh Nhàn, Giám đốc điều hành của siêu thị Hoàng Đức (TP.Long Khánh) cho biết, hàng Việt ngày càng chiếm tỉ trọng cao trên các kệ hàng của siêu thị. Các sản phẩm hàng Việt được bày bán ở siêu thị đã có nhiều cải tiến về chất lượng, mẫu mã với giá cả cạnh tranh hơn, cũng như có nhiều hình thức quảng bá thương hiệu, thay đổi bao bì sản phẩm hiện đại, bắt mắt hơn.
Nhiều ý kiến của người tiêu dùng cho rằng nhiều sản phẩm của các thương hiệu Việt có chất lượng không thua kém gì các quốc gia khác. Do vậy, cần tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để phát huy, quảng bá hình ảnh thương hiệu Việt trên các nền tảng số như: đẩy mạnh các nội dung/video clip, hình ảnh thương hiệu trên các kênh/mạng xã hội Tiktok, Facebook, Instagram...; thu hút nguồn nhân sự có chất lượng cao để kết nối, sáng tạo sản phẩm tiệm cận với xu hướng thế giới...
Bà Xuân An (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) bày tỏ: "Hiện nay, nhiều thương hiệu của các quốc gia khác đã xây dựng được các ứng dụng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm trực tuyến quốc tế và có thể vận chuyển hàng đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới rất tiện lợi và nhanh chóng. Do đó, tôi nghĩ các thương hiệu Việt cần sớm chọn lọc và đưa những sản phẩm Việt vào hệ thống phân phối các nước bạn, thậm chí đưa cả các sản phẩm Việt Nam lên nền tảng giao dịch trực tuyến quốc tế, giúp những sản phẩm đậm chất Việt được biết đến rộng rãi hơn".
Theo các chuyên gia, nhiều DN hiện vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức tới việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu nên có thể mất đi nhiều cơ hội, lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập như hiện nay. Đặc biệt, nếu DN còn chần chừ trong vấn đề này thì dễ có nguy cơ bị mất độc quyền thương hiệu, nhãn hiệu, thậm chí không được sử dụng các “tài sản” về thương hiệu khi bị người khác đăng ký trước.