Đối thoại để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động

Thứ tư - 28/10/2020 10:20
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
“Để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ) sau dịch bệnh Covid-19, cán bộ Công đoàn phải biết phát huy kỹ năng đối thoại, thương lượng, tìm phương án tháo gỡ khó khăn kịp thời. Đồng thời, cán bộ Công đoàn tuyên truyền, vận động NLĐ chia sẻ, cùng doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất”- đó là ý kiến của nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở tại buổi tọa đàm Đối thoại trong giai đoạn khủng hoảng và vai trò của tổ chức Công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức mới đây.
28.10-Đối thoại để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.jpg
Công nhân lao động ổn định sản xuất sau dịch bệnh
Duy trì việc làm cho NLĐ
Tại Đồng Nai hiện có gần chục DN sản xuất giày da lớn, đông công nhân lao động. Việc vừa ổn định sản xuất, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch và ổn định lao động là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều CĐCS tại các DN giày da đã thương lượng, phối hợp với chủ DN duy trì việc làm cho NLĐ bằng việc tăng cường các buổi đối thoại.
Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, H.Trảng Bom) cho hay, đối thoại trong lao động là hoạt động quan trọng nhằm tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa NLĐ và chủ DN. Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch bệnh thời gian qua, đối thoại lại càng cần thiết hơn, để duy trì việc làm, chế độ chính sách cho NLĐ. Điều này đòi hỏi vai trò của tổ chức Công đoàn các cấp trong việc tham mưu, thương lượng các chính sách tốt. Đồng thời, tuyên truyền ổn định tư tưởng tâm lý công nhân. Với những cách làm trên, tại DN của ông, dù số lượng lao động trên 25 ngàn người nhưng quan hệ lao động, tư tưởng làm việc rất ổn định.
“Khi cán bộ Công đoàn biết tham mưu, thương thảo với chủ DN các chính sách tốt sẽ góp phần không nhỏ trong việc cải thiện thu nhập, môi trường và điều kiện làm việc của NLĐ. Tuy nhiên, muốn nhận được sự phối hợp của chủ DN thì cán bộ Công đoàn phải giỏi chuyên môn, nắm vững những quy định của pháp luật và làm việc trên quan điểm cân bằng, hài hòa lợi ích hai bên” - ông Trường chia sẻ.
Tương tự, tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa), với số lượng trên 16 ngàn lao động, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tháng liền DN không có đơn hàng, vì vậy số lượng công nhân dôi dư rất lớn. Tuy nhiên, CĐCS đã kịp thời đối thoại, thương lượng để DN sắp xếp lại sản xuất, không để một lao động nào phải nghỉ việc. Đồng thời, CĐCS thông báo để NLĐ nắm bắt được tình hình hiện tại của DN, chủ động lắng nghe, ghi nhận, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của NLĐ một cách thấu đáo nhằm ổn định quan hệ lao động và việc khôi phục sản xuất tại DN.
Cùng với các DN khác, trong đợt dịch vừa qua, Công ty TNHH NamYang (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom) bị ảnh hưởng không nhỏ do thiếu nguyên liệu, thiếu đơn hàng nên đã thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động với toàn bộ công nhân. Để NLĐ có thu nhập, CĐCS đã thương lượng với DN hỗ trợ 170 ngàn đồng/người/ngày và đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ.
Anh Phạm Kiên Vững, Chủ tịch CĐCS công ty cho hay, thời điểm này, tình hình sản xuất vẫn chưa ổn định, còn 2 xưởng đang tạm hoãn hoạt động. Trước khó khăn trên, CĐCS tham gia cùng Ban lãnh đạo DN xây dựng phương án về sắp xếp việc làm, giám sát thực hiện chi trả lương cũng như các chế độ cho NLĐ bị ngừng việc bởi dịch bệnh. Ngoài ra, CĐCS thông báo để NLĐ nắm bắt được tình hình hiện tại của DN, chia sẻ những khó khăn mà DN phải đối mặt. Cùng với đó, CĐCS lắng nghe, ghi nhận, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của NLĐ một cách thấu đáo nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc, ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, tránh xảy ra tranh chấp lao động tại DN.
Đảm bảo chế độ cho NLĐ 
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, toàn tỉnh có 129 DN và trên 100 ngàn NLĐ gặp khó khăn, trong đó có trên 82 ngàn lao động bị giảm giờ làm trong tuần hoặc nghỉ không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó, các nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là: dệt may, giày da, sản xuất đồ gỗ, điện tử… Với những khó khăn nói trên, các cấp Công đoàn đã nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn, đối thoại, chia sẻ thông tin với DN để ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và các chế độ chính sách cho NLĐ.
Theo ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Việt Nam, thời gian qua, tổ chức Công đoàn đã sát cánh cùng DN và phối hợp với các cấp, các ngành để giữ được việc làm cho NLĐ. Trong đó, tìm các phương án sắp xếp các vị trí việc làm, giãn việc, nghỉ việc luân phiên, miễn làm sao NLĐ vẫn có việc làm và thu nhập. Điều đó cho thấy vai trò của Công đoàn trong giai đoạn khủng hoảng của dịch bệnh đã phát huy hết khả năng, nguồn lực với mục đích chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
Theo các cán bộ Công đoàn, hiện nay một bộ phận lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng của dịch bệnh do DN giải thể và ngừng hoạt động. Vì vậy, các cấp Công đoàn đang tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ, đồng thời, nỗ lực kết nối việc làm tại các đơn vị tuyển dụng để NLĐ có việc làm ổn định trong những tháng cuối năm. Cùng với đó, khuyến khích NLĐ chủ động học nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn tỉnh.
Phong Lan

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây