Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Hợp tác để cùng phát triển

Thứ tư - 11/11/2020 14:02
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Đối với các doanh nghiệp (DN) mới thành lập, DN nhỏ và vừa, sự cạnh tranh sẽ rất quyết liệt nên muốn đứng vững trên thị trường, DN cần có sự độc đáo trong sản phẩm, dịch vụ hoặc có thế mạnh riêng. Trong bối cảnh ngày càng nhiều DN xuất hiện, để phát triển bền vững, các DN nhỏ, siêu nhỏ đã liên kết với nhau cùng khởi nghiệp.
10.11-H1 Liên k.jpg
Ngoài nỗ lực tự khởi nghiệp, doanh nghiệp rất mong đợi các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Trong ảnh: Hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tìm hiểu cơ hội hợp tác với nhau
Bắt tay hợp tác
Thành lập và đi vào hoạt động được 5 năm, những ngày này, Công ty TNHH Dương Đăng Phát (TP.Biên Hòa) đang “chạy” hết công suất để sản xuất đơn hàng cho các hợp đồng đã ký kết. Anh Dương Hải Đăng, Giám đốc công ty cho hay, lĩnh vực mà DN theo đuổi là sản xuất ngành hàng cơ khí, bù long, ốc vít, công nghiệp phụ trợ cho các ngành hàng sản xuất gỗ, điện tử...
Theo anh Đăng, ngoài sự nỗ lực của bản thân DN thì sự liên kết, hợp tác với các đơn vị, DN thành viên thuộc ngành hàng công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp để có thể phát triển nhanh, bền vững. “Là thành viên của Chi hội Ngành công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai (thuộc Hội Doanh nhân tỉnh Đồng Nai) , công ty chúng tôi cũng thường xuyên được các DN thành viên, anh chị em chia sẻ thông tin, nhu cầu của khách hàng, cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài cũng như có thể hỗ trợ nhau trong các công đoạn sản xuất” - anh Dương Hải Đăng cho biết.
Tương tự, khi khởi nghiệp, anh Trần Nhân Giáp, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế xây dựng kiến trúc nội thất truyền thông Gold Home đã hợp tác cùng 3 người bạn là chủ các DN khởi nghiệp khác trên địa bàn tỉnh trong các lĩnh vực lân cận như kiến trúc, xây dựng, điện, nước... để cùng làm ăn. Anh Giáp cho hay, mỗi người trong nhóm DN này có những lợi thế riêng nhưng một công trình xây dựng thì từng DN riêng lẻ khó đáp ứng được.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm, trước sự cạnh tranh ngày càng lớn khi kinh tế đã hội nhập sâu rộng thì việc ủng hộ nhau cùng phát triển nên được các DN phát huy. Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đến nay đã có 10 chi hội địa phương, chi hội ngành hàng trực thuộc với hơn 500 DN, hội viên. Hội cũng đã phát động chương trình DN, hội viên dùng sản phẩm của nhau, sản phẩm của DN này là đầu vào sản xuất của DN kia và ngược lại. Để chương trình có thể đạt được kết quả cao hơn thì cần sự chung tay, góp sức của đông đảo DN trên địa bàn để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chờ cú hích từ chính sách 
Nỗ lực của từng DN, từng hiệp hội, hội ngành nghề trong việc nâng tầm cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh là rất lớn song cũng cần đến sự động viên, chia sẻ, hỗ trợ từ các chương trình, chính sách từ phía Nhà nước. Trong đó, trọng tâm nhất là các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp.
Trong bối cảnh sự phát triển của DN đang gặp nhiều vướng mắc, rào cản, Đồng Nai đã chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa với Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến năm 2025. Sở KH-ĐT được giao trọng trách xây dựng nội dung của đề án và đang từng bước hoàn thiện. Đề án với nhiều nội dung hỗ trợ như: bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý và hỗ trợ DN khởi nghiệp ĐMST...
Với những nội dung nói trên, các DN kỳ vọng sẽ có được một cú hích phát triển từ chính sách của Đồng Nai. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng mà cộng đồng DN hướng tới là 3 lĩnh vực chính đang vướng mắc nhiều nhất hiện nay:  mặt bằng sản xuất, nguồn vốn tín dụng và đào tạo cán bộ quản trị DN.
Vi Quân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây