Dệt may “chạy” nước rút

Thứ tư - 11/11/2020 11:10
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm nay, khả năng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam chỉ đạt 32-33 tỷ USD, giảm 6-7 tỷ USD so với năm trước. Từ giữa quý III-2020, xuất khẩu dệt may đã hồi phục nhưng khó đạt kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm.
 Xuất khẩu ngành hàng dệt may của Đồng Nai trong 10 tháng của năm 2020 đạt hơn 1,42 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
z2121333417351_2bd6a81e0de6c2c4027440155104fd36.jpg
Sản xuất sản phẩm dệt may xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến
*Nỗ lực phục hồi sản xuất
 Hiện nay, dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai của Đồng Nai chỉ sau giày dép. Do đó, nếu kim ngạch xuất khẩu dệt may không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng chung đến xuất khẩu của tỉnh. Nguyên nhân khiến xuất khẩu dệt may giảm mạnh là do đại dịch Covid-19 khiến nhiều thị trường trên thế giới phải tạm dừng giao thương hàng hóa.
 Đồng Nai là một trong 5 tỉnh thành đứng đầu cả nước về xuất khẩu hàng dệt may nên việc tăng trưởng âm sẽ ảnh hưởng chung đến toàn ngành trên cả nước. Hiện các DN dệt may Đồng Nai đã nhận được những đơn hàng lớn, tăng so với 2-3 tháng trước đó, nhưng cũng chưa khôi phục được như đầu quý I-2020.
 Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến Nguyễn Văn Hoàng, ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết: “Hàng dệt may của công ty chủ yếu xuất khẩu vào Hoa Kỳ, châu Âu. Trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, công ty làm không hết đơn hàng và luôn nhận được đơn hàng trước cả năm. Từ khi xảy ra đại dịch nhiều đơn hàng đã tạm dừng hoặc bị hủy khiến sản xuất, xuất khẩu của công ty gặp nhiều khó khăn. Đến nay, sản xuất đã dần được khôi phục, nhưng thị trường xuất khẩu vẫn chưa khơi thông hoàn toàn vì nhiều nước vẫn chưa khống chế dịch bệnh”.
 Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp, dịch bệnh Covid-19 làm hầu hết các DN trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các DN thuộc ngành sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện giày dép, sản phẩm gỗ phục hồi nhanh hơn. Dệt may là ngành bị tổn thương và phục hồi chậm hơn so với nhiều ngành khác.
1-cty-Đông-Tien (1).jpg
Sản xuất sản phẩm dệt may xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến
Mở rộng đầu ra 
 Thời gian qua, Bộ Công thương tập trung khơi thông giao thương với các nước để DN dệt may nhận được thêm đơn hàng, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng tổ chức nhiều đợt kết nối cung cầu với DN trong nước, nước ngoài bằng hình thức trực tuyến. Qua đó, các DN dệt may tại Việt Nam cũng ký kết thêm được một số đơn hàng để duy trì sản xuất và từng bước phục hồi.
 Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Từ tháng 8-2020, DN dệt may đã có đơn hàng trở lại nhưng chủ yếu là các đơn hàng nhỏ nên hoạt động sản xuất vẫn khó khăn. Một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam vẫn chưa khống chế được dịch bệnh Covid-19, sản phẩm dệt may vẫn bị hạn chế đầu ra. Năm 2020, xuất khẩu dệt may sẽ giảm sâu và khó đạt kế hoạch 40 tỷ USD”. Trong 9 tháng của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước đạt 27 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, ảnh hưởng dịch bệnh với ngành dệt may Việt Nam khả năng sẽ kéo dài đến hết quý I-2021.
 Để có thêm đơn hàng, việc làm cho người lao động, nhiều DN dệt may đã chuyển qua may thêm khẩu trang, quần áo bảo hộ xuất khẩu. Trong tháng 8,9,10-2020, đơn hàng khẩu trang từ Nhật Bản, Hàn Quốc...tăng khá cao, giúp nhiều DN duy trì được sản xuất.
 Theo ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai, khi xảy ra dịch bệnh, các đơn hàng may mặc giảm và dừng khá nhiều, công ty chuyển qua mở rộng sản xuất quần áo bảo hộ, may khẩu trang, vải không dệt tiêu thụ ở thị trường nội địa, xuất khẩu nên hoạt động ổn định, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
 Trong những tháng còn lại của năm 2020, các DN dệt may Đồng Nai và cả nước cũng đang tìm cách mở thêm thị trường tiêu thụ ở những nước Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, CPTPP, Hàn Quốc, Nga... Mục tiêu hồi phục ngành dệt may nhanh hơn.
                                                          Phan Anh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây