Nửa đầu năm 2022, trên bình diện cả nước cũng như Đồng Nai, sản xuất, kinh doanh hồi phục, tạo điều kiện cho xuất khẩu tăng trưởng trên 2 con số, giúp cán cân thương mại duy trì xuất siêu.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại một DN ngành công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa
Sản xuất hàng xuất khẩu tại một DN ngành công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa
Mặc dù quy mô, doanh số xuất khẩu nhìn tổng thể có sự tăng trưởng tốt song vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) sụt giảm. Các tác động từ tình hình thế giới, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các DN vẫn lo chững đơn hàng trong thời gian tới.
Xuất khẩu tăng trưởng giúp duy trì xuất siêu
Nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 186 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nhấn là khu vực kinh tế trong nước đã có sự hồi phục mạnh mẽ sau một thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19. Với con số gần 49,3 tỷ USD, khu vực này đóng góp 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 73,5%. Tại Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng 19,2% so với tháng trước và tăng 16,9% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xuất khẩu đạt hơn 13,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ.
Để đạt được kết quả nói trên, Đồng Nai đã luôn xuyên suốt, tích cực tìm giải pháp hỗ trợ DN trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhất là trong việc xúc tiến thương mại cho các DN trong nước và tạo thuận lợi trong lĩnh vực hải quan.
Lo chững đơn hàng những tháng cuối năm
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở Mỹ và các nước châu Âu vốn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, các DN dự kiến việc xuất khẩu một số mặt hàng vào đây sẽ có những khó khăn hơn. Một trong số đó là sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ. Ngoài vướng mắc phía Mỹ đang điều tra bán phá giá một số chủng loại mặt hàng thì việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu sẽ có tác động.
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, tháng 6 vừa qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ. Lạm phát tăng cao tại thị trường đang ảnh hưởng không nhỏ tới ngành gỗ. Đặc biệt, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ chính nhưng tháng 6-2022 chỉ đạt 826 triệu USD, giảm 19,2% so với tháng 6-2021. Tính chung nửa đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ đi Mỹ giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Tương tự là các mặt hàng may mặc. Dù hầu hết các DN đã có đơn hàng sản xuất trong quý II nhưng theo các DN, số đơn hàng này được ký kết vào thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay khi những biến động của thế giới và lạm phát chưa gay gắt. Trước đây, khách hàng thường đặt hàng trước 6 tháng thì nay chỉ đặt hàng trước 3 tháng. Một số mặt hàng xuất khẩu khác, khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và người dân thắt chặt chi tiêu.
Những biến động của thị trường ở thời điểm này đều có thể tác động đến DN. Lạm phát cao vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu, DN cần tính toán cẩn thận về đơn hàng và thường xuyên nắm bắt thông tin để việc bán hàng đạt hiệu quả cao nhất.