Đẩy mạnh hoạt động về quyền trẻ em trong nhà trường

Thứ tư - 26/01/2022 21:47
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em và các quyền liên quan cần vai trò rất lớn của nhà trường, trong đó không thể không kể đến đội ngũ giáo viên. Các phong trào do Hội đồng Đội tổ chức cũng góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ trẻ em đến phụ huynh, học sinh.
Để làm được điều đó, các cơ sở giáo dục cần đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền.
a7368b6da8e665b83cf7.jpg
Hội đồng Đội phối hợp cùng Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa tổ chức tọa đàm nâng cao
năng lực thực hiện quyền trẻ em cho Ban Chỉ huy Liên đội năm học 2020-2021
Thầy cô giáo là cầu nối để trẻ chia sẻ, tâm tình
Hàng năm, Sở GD-ĐT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan đều triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng bạo hành trẻ vẫn xảy ra. Trước thực trạng đó, trong thời gian tới, ngành giáo dục Đồng Nai sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch chỉ đạo tuyên truyền, tập huấn công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong toàn tỉnh; đưa kiến thức về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại, lạm dụng tình dục và bạo lực trẻ em, giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống đến từng em học sinh.
Ông Đỗ Huy Khánh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Chúng tôi sẽ thúc đẩy để nhà trường, các thầy cô giáo tìm hiểu được tâm tư, tình cảm, những khó khăn, vướng mắc của các em trong cuộc sống và trở thành cầu nối, giúp các em giải quyết được vấn đề, tránh để trẻ bị tổn thương về thể xác, tinh thần”.
Hiện nay, nhiều em học sinh còn chưa nắm rõ về quyền trẻ em, chưa nhớ được thông tin các số điện thoại, địa chỉ cần thiết để liên lạc khi cần trợ giúp. Ông Khánh cho rằng ngoài việc phổ biến thông tin, nhà trường nên dán những thông tin này ở vị trí trẻ dễ quan sát, dễ tiếp cận để ghi nhớ. Ngoài ra, thầy cô giáo nên hướng dẫn các em ghi chú các số điện thoại cần thiết trong sổ tay học đường, thậm chí là trong sổ nhật ký…
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111) là đường dây khẩn cấp có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại, kiểm tra thông tin tố giác ban đầu.
Hiện nay, người dân còn có thể kết nối với Tổng đài 111 thông qua ứng dụng Tổng đài 111 (tải trên App Store hoặc CH Play) hoặc kết nối với Tổng đài 111 trên Zalo. Không chỉ là kênh tiếp nhận thông tin, ứng dụng còn cung cấp những nguồn thông tin hữu ích liên quan đến an toàn trẻ em như: thư viện tài liệu điện tử, danh bạ các số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp, danh sách địa chỉ trang web của các đơn vị cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em.
Phát huy hiệu quả mô hình Hội đồng trẻ em
Năm 2020, Hộ đồng đội (HĐĐ) tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ra quyết định thành lập Hội đồng trẻ em tỉnh Đồng Nai. Tiếp đó, HĐĐ tỉnh cũng đã chỉ đạo thành lập Hội đồng trẻ em cấp huyện tại 3 huyện Xuân Lộc, Nhơn Trạch và Định Quán. Thành viên tham gia hội đồng là các em học sinh tiêu biểu xuất sắc, có kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, phát hiện và tổng hợp các vấn đề của trẻ em, có năng khiếu và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Em Bùi Trần Khánh Ngọc, lớp 9/21 Trường THCS Trường Sa (TP.Biên Hòa) hiện là Chủ tịch Hội đồng trẻ em tỉnh. Theo quan điểm của Ngọc, cha mẹ không nên sử dụng đòn roi khi giáo dục con vì làm như vậy chỉ khiến con cái trở nên “cứng đầu” hơn. Thay vào đó, phụ huynh nên học cách lắng nghe con, tìm ra những điểm tốt của con để ủng hộ con, nói chuyện nhỏ nhẹ với con hơn. Ngược lại, bản thân trẻ em cũng phải nỗ lực, chăm ngoan hơn.
Xung quanh em, các bạn đã biết đến Hội đồng trẻ em. Em cũng được nghe nhiều bạn kể về việc cha mẹ không thấu hiểu, vẫn sử dụng phương pháp giáo dục cũ “thương cho roi cho vọt”. Em có khuyên các bạn là nên tâm sự với người thân, họ hàng hoặc giáo viên để có tiếng nói với phụ huynh. Thực tế, có bạn đã chọn tâm sự với cô giáo, kể ra tất cả những khúc mắc trong lòng và được cô giáo kết nối với phụ huynh. Nhờ đó, mối quan hệ của bạn và mẹ được cải thiện. Mẹ của bạn đã tìm hiểu về cuộc sống học đường của bạn, ngược lại bạn cũng quan tâm hơn đến mẹ. Hai mẹ con bạn thường xuyên đi chơi với nhau như những người bạn, rất vui vẻ.
Tuy nhiên, đa số các bạn học sinh đều chưa nắm được thông tin về số điện thoại đường dây nóng, cách thức để liên lạc với các tổ chức, đoàn thể có chức năng bảo vệ trẻ em để liên lạc khi cần thiết.
Theo anh Võ Văn Trung, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch HĐĐ tỉnh, để tăng cường thực hiện quyền trẻ em đồng thời giúp trẻ em hiểu rõ về quyền của mình, trong thời gian tới, HĐĐ tỉnh tiếp tục triển khai một số nội dung như: thực hiện hiệu quả mô hình Hội đồng trẻ em ở cấp tỉnh và huyện, tổ chức tập huấn kỹ năng cho hội đồng trẻ em các cấp; định kỳ tổ chức Diễn đàn trẻ em để lắng nghe tiếng nói của các em; phát huy hiệu quả vai trò của CLB tư vấn, trợ giúp pháp lý cho trẻ em...
“Chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm các giải pháp giúp nâng cao vai trò của tổ chức Đội TNTPHCM và HĐĐ các cấp, đội ngũ giáo viên làm Tổng phụ trách Đội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, anh Trung chia sẻ.
Hoàng Giang

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây