Trường Đại học Đồng Nai đang có những bước đi quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trong những năm học tới, nhà trường sẽ mở thêm nhiều ngành đào tạo để đáp ứng thị trường lao động.
TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai (bên phải) tham gia ký kết đồng hành trong chương trình Ra mắt cộng đồng kết nối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Đồng Nai (OBC)
Sẽ mở thêm ngành đào tạo mới
Trường Đại học Đồng Nai (ĐH Đồng Nai ) có hơn 45 năm đào tạo sư phạm, đã cung cấp trên 50 ngàn giáo viên, gần 1 ngàn cán bộ quản lý cho các trường từ mầm non đến THPT, hơn 2 ngàn cử nhân kinh tế, kỹ thuật cho các doanh nghiệp.
Hiện nay, trường đang nỗ lực để thực hiện đổi mới đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. “Để làm được việc này phải có thống nhất từ nhận thức đến hành động và xây dựng được mục tiêu cho từng thời kỳ phát triển. Trước hết là từ năm 2022-2025, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành, có khả năng phát triển chuyên môn ở nơi làm việc” - TS. Lê Anh Đức, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Để làm được điều đó, trước tiên, Trường ĐH Đồng Nai phải duy trì các công việc như: xác định mô hình đảm bảo chất lượng theo AUN-QA (chuẩn kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á) để phấn đấu xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030; nâng cao năng lực phát triển chương trình đào tạo cho giảng viên theo hướng thiết thực, gắn với nơi sử dụng lao động; tăng số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên gắn với kết quả học tập của sinh viên, hướng đến các vấn đề của tỉnh đang yêu cầu giải quyết; nâng cao khả năng ngoại ngữ giao tiếp để có thể thúc đẩy hợp tác quốc tế, từ đó tự nâng cao chất lượng làm việc của mỗi giảng viên và của toàn trường.
Để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động của tỉnh công nghiệp và việc xây dựng, vận hành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Trường ĐH Đồng Nai đang có kế hoạch mở thêm nhiều ngành đào tạo thuộc các chuyên ngành: kỹ thuật, logistics, thương mại điện tử, kinh tế và du lịch.
TS Lê Anh Đức cho biết: “Tập thể viên chức, giảng viên Trường Đại học Đồng Nai đang triển khai các hoạt động như: rà soát các văn bản hiện hành của Nhà nước để ban hành quy định nội bộ; xác định chiến lược phát triển theo mô hình AUN-QA, trong đó có nhiều thành tố và xuyên suốt vẫn là chương trình đào tạo; cấu trúc lại mô hình tổ chức, vị trí việc làm; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ để tăng tính chủ động trong phối hợp cho từng đơn vị, cá nhân là yêu cầu cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Trong các hoạt động đó, rất cần sự chung tay góp sức của nhiều người, sự giúp sức của công nghệ thông tin, công nghệ số”.
Thúc đẩy sinh viên nghiên cứu khoa học
Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, Trường ĐH Đồng Nai cũng đang thúc đẩy giảng viên, sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ. Theo đó, nhà trường đã ban hành nhiều quy định về NCKH nhằm động viên viên chức, giảng viên, sinh viên tham gia NCKH nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn. Trong 5 năm (2016-2021), nhà trường đã tổ chức 6 hội thảo khoa học cấp trường và 61 đề tài khoa học cấp trường, bình quân mỗi năm có 1 hội thảo và 13 đề tài NCKH (chiếm tỷ lệ 0,35% trên tổng số 363 viên chức, giảng viên toàn trường).
Theo TS Lê Anh Đức, để thúc đẩy các hoạt động NCKH, nhà trường sẽ tập trung vào 3 nội dung. Trước hết, sẽ tập trung nhiều người, nhiều thời gian vào NCKH ứng dụng cho viên chức, giảng viên và sinh viên sử dụng để nâng cao chất lượng dạy - học; ví dụ tổ chức các hội thảo khoa học về phát triển chương trình đào tạo theo hướng thiết thực, đánh giá khách quan, chuyển đổi số thích ứng với công nghiệp 4.0. Thứ hai là, phát huy năng lực của đội ngũ, lập ra các nhóm nghiên cứu mạnh để đăng ký với Sở KH-CN tham gia các đề tài phục vụ cho tỉnh và các doanh nghiệp. Thứ ba là, khuyến khích viên chức, giảng viên tham gia viết các bài báo khoa học quốc tế để từng bước khẳng định thương hiệu Trường ĐH Đồng Nai trong hợp tác quốc tế.
Cùng với đó, Trường ĐH Đồng Nai cũng thúc đẩy, khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trường đã ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó xây dựng chương trình đào tạo cho sinh viên về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất (theo các công cụ 5S, PDCA . . . của doanh nghiệp).
Sở KH-CN đã và đang hỗ trợ mở vườn ươm, sân chơi khởi nghiệp sáng tạo tại Trường ĐH Đồng Nai cho viên chức, giảng viên và sinh viên trên địa bàn tỉnh. Tất cả ý tưởng sáng tạo của sinh viên sẽ được ghi nhận, chuyển tải thành đề tài NCKH theo dạng khóa luận để giảng viên hỗ trợ giải quyết bài toán thực tế gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên.
Hoàng Giang