Cụm thi đua số 10 ngành Thanh tra chủ động phối hợp nhằm thực hiện hiệu quả công tác thanh tra

Thứ ba - 28/11/2023 09:08
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2023 của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu tình hình chính trị tại địa phương, Thanh tra tỉnh Đồng Nai và Thanh tra một số tỉnh trong Cụm thi đua số 10 gồm các tỉnh: Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sự phối hợp nhằm thực hiện hiệu quả công tác thanh tra.
Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Thắng phát biểu tại hội nghị Cụm thi đua số 10
Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Thắng phát biểu tại hội nghị Cụm thi đua số 10

Đưa sáng kiến vào hoạt động thanh tra
Bên cạnh phối hợp để thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, thời gian qua, Cụm thi đua số 10 ngành Thanh tra cũng đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo thuận lợi trong hoạt động thanh tra.

Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, trên cơ sở bộ thủ tục hành chính của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các tỉnh trong Cụm thi đua số 10 đã tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành Thanh tra quản lý để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Tương tự, thanh tra các tỉnh đều xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; kiểm tra, rà soát các thủ tục hành chính... theo chủ trương chung của tỉnh, của ngành Thanh tra; cập nhật kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng định kỳ.

Hiện Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã ứng dụng phần mềm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra từ năm 2017, mang lại hiệu quả trong việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra được nhanh chóng, chính xác. Ngoài ra, Thanh tra tỉnh còn ứng dụng phần mềm quản lý văn bản để phân công, giao việc; đồng thời, có chức năng quản lý, giám sát tiến độ thực hiện nhiệm vụ của công chức, để đôn đốc, nhắc nhở kịp thời.

Tại tỉnh Tây Ninh, Thanh tra tỉnh đã đưa ra sáng kiến Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các cuộc thanh tra trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị này cũng đang triển khai sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện Nhật ký đoàn thanh tra.

Trong khi đó, Thanh tra tỉnh Bình Dương đang xây dựng và triển khai sử dụng hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý Nhà nước cho toàn ngành Thanh tra của tỉnh. Hiện tại, Thanh tra tỉnh Bình Dương có 2 dịch vụ công mức độ 3 (thủ tục xử lý đơn tại cấp tỉnh; thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu tại cấp tỉnh - đang ở mức độ dịch vụ công trực tuyến một phần) có tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành Thanh tra cũng đã tham mưu cho tỉnh xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác 3 phần mềm: phần mềm quản lý, tổng hợp thanh tra, kiểm tra; phần mềm quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo và phần mềm kê khai tài sản, thu nhập. Đây cũng là những sáng kiến mang tính giải pháp nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra ở các địa phương.

Thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo
Theo Thanh tra tỉnh, trong năm vừa qua, công tác thanh tra đảm bảo nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm và trình thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp phê duyệt đúng thời gian quy định. Đặc biệt, một nội dung chuyên môn được Thanh tra tỉnh và thanh tra các địa phương trong Cụm thi đua số 10 chú trọng triển khai thực hiện là xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra.

Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và các quy chế của địa phương, các đơn vị thanh tra trong Cụm thi đua số 10 đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tại địa phương. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, trong năm 2023, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã triển khai việc quản lý trong các doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp công lập có chồng chéo với kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của các sở, ban, ngành và các cơ quan ngành dọc đóng chân trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đã có 746 doanh nghiệp, đơn vị hành chính đã được kết xuất dữ liệu từ phần mềm quản lý chồng chéo.

Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo và qua ý kiến đề nghị của Thanh tra tỉnh, các sở, ban, ngành đã điều chỉnh giảm kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với 415 doanh nghiệp có chồng chéo.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Chánh Thanh tra tỉnh Tây Ninh Trần Văn Minh Trí cho rằng, để giải quyết việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, Thanh tra tỉnh Tây Ninh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan; đồng thời, các sở, ban, ngành cũng tự phối hợp rà soát, điều chỉnh xử lý tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Theo ông Trí, với sự chủ động này nên hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp không xảy ra trường hợp trùng lắp.

Trong khi đó, cũng nhằm giải quyết vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra, thanh tra các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận đã đề nghị thanh tra các sở, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, yêu cầu nhiệm vụ của ngành, địa phương mình để nghiên cứu, đề xuất nội dung trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, thanh tra các địa phương này cũng đề nghị các đơn vị trước khi trình thủ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra, gửi về Thanh tra tỉnh rà soát, xử lý chồng chéo, trùng lắp.

Tác giả: Tùng Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây