(CTT-Đồng Nai) Thời gian qua, chức sắc, chức việc cùng tín đồ các tôn giáo đã tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội trợ giúp người khó khăn.

Thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tặng biểu trưng cho đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy tại lễ Phật đản năm 2023 - Phật lịch 2567
Thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tặng biểu trưng cho đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy tại lễ Phật đản năm 2023 - Phật lịch 2567
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho biết: Thời gian qua các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã đóng góp tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội. Cùng với nguồn lực nhà nước, những đóng góp này đã kịp thời trợ giúp gia đình hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.
Quan tâm người khó khăn trong cộng đồng
Thời gian qua, các hoạt động từ thiện nhân đạo được Phật giáo Đồng Nai thực hiện thông qua hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí của 15 phòng khám Đông y; trao tặng quà cho người nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách; hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; xây dựng nhà tình thương… đạt tổng trị giá trên 679 tỷ đồng.
Đại đức Thích Nhuận Hành, trụ trì chùa Hoàng Mai (TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ) cùng phật tử đã tổ chức và duy trì Phòng Chẩn trị y học cổ truyền điều trị miễn phí cho người dân. Mỗi tuần, nhà chùa tổ chức đón người dân đến điều trị vào thứ Bảy và Chủ nhật. Hoạt động chính của phòng thuốc là khám, tư vấn điều trị, bốc thuốc, thực hiện một số liệu pháp điều trị.
Mỗi ngày, phòng khám phục vụ khoảng 70 người, cá biệt có ngày lên đến 150 bệnh nhân. Điều này đòi hỏi 6 y sĩ cùng những phật tử tham gia phụ giúp phòng thuốc phải dành nhiều thời gian cho công việc.
Còn theo linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động bác ái - xã hội, chăm lo đời sống đồng bào hoàn cảnh khó khăn, những người gặp bất hạnh trong cuộc sống với tổng số tiền hơn 900 tỷ đồng.
Song song đó, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo đã thể hiện lòng tri ân với những gia đình có công với đất nước cũng được đồng bào Công giáo thường xuyên thực hiện. Qua đó, các giáo hạt, giáo xứ, giáo họ, dòng tu đã góp sức xây dựng 126 nhà tình nghĩa, nhận chăm sóc và phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ, hỗ trợ gia đình có công với cách mạng… với số tiền hơn 26 tỷ đồng.
Đồng bào các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào DTTS còn rất tích cực trợ giúp người khó khăn trong cộng đồng; hưởng ứng các phong trào từ thiện nhân đạo, hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học.
Trong số này có ông Phạm Quốc Khánh (giáo dân ở xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất) mới ngoài 40 tuổi song đã có 37 lần hiến máu tình nguyện. Ngoài ra, khi có trường hợp người dân cần nguồn máu để cấp cứu, ông cùng các bạn gác việc đang làm để đến bệnh viện cho máu trực tiếp.
Tương tự, chị Trần A Múi (dân tộc Hoa, công tác tại UBND P.Hóa An, TP.Biên Hòa) là một trong số ít cá nhân trong đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố duy trì đều đặn hiến máu nhân đạo. Chị Múi 39 tuổi song đã có 36 lần hiến máu tình nguyện. Đảng viên trẻ này còn kêu gọi những thành viên trong gia đình, dòng họ cùng hiến máu tình nguyện.
Đặc biệt, năm 2023, lần đầu tiên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, TP.Biên Hòa cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp tổ chức các đợt tiếp nhận hiến máu tình nguyện dành riêng cho chức sắc Phật giáo và phật tử hiến tặng. Ngoài ra, đã có 23 trường hợp chức sắc Phật giáo và phật tử thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh đăng ký hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não.

Nhà sư tham gia hiến máu tình nguyện
Nhà sư tham gia hiến máu tình nguyện
Cưu mang người lang thang
Bên cạnh đó, tùy theo khả năng mà nhiều cơ sở Phật giáo tại Đồng Nai thực hiện cưu mang những hoàn cảnh kém may mắn thuộc nhiều lứa tuổi. Như ở Cơ sở Bảo trợ xã hội dân lập Hoa Sen Trắng (chùa Bửu Sơn, H.Định Quán) đang chăm sóc, nuôi dưỡng 40 trẻ em. Ngoài ra, còn có 28 người già neo đơn và người khuyết tật cũng đang sinh sống tại đây.
Hay Trung tâm Nhân đạo Làng Tre (xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) do đại đức Thích Chiếu Bổn làm giám đốc đã cưu mang 700 trường hợp kém may mắn. Đại đức Thích Chiếu Bổn cho hay, trước đây ông cũng là trẻ được cho người khác làm con nuôi khi mới 9 tháng tuổi. Do vậy, ông có sự đồng cảm, thấu hiểu và mong muốn tạo ra nơi chốn cưu mang những hoàn cảnh kém may mắn.
Hiện trẻ nhỏ tuổi nhất mới ngoài 2 tháng, còn người cao tuổi nhất đã ngoài 90. Tại trung tâm, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật được chăm sóc, tạo điều kiện học văn hóa, học nghề.
Còn theo linh mục Trần Xuân Thảo, Công giáo Đồng Nai đang duy trì hoạt động 17 cơ sở bảo trợ xã hội. Những cơ sở này hiện chăm sóc khoảng 1 ngàn trẻ em khuyết tật, người già neo đơn - tàn tật, người cơ nhỡ… Các nam nữ tu sĩ, giáo dân đã vượt qua những khó khăn, vất vả để chăm sóc cho người kém may mắn.
Trong số này, gần 20 người của Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa, thuộc Tòa Giám mục Xuân Lộc) đang chăm sóc 176 trẻ từ 4 tháng đến 20 tuổi. Trẻ em ở đây được chăm lo ăn ngủ, rèn luyện đạo đức và đi học. Từ năm 2009 đến nay, đã có 34 trẻ đã trưởng thành, tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học và lập gia đình. Cùng với đó, cơ sở còn đang chăm sóc 24 người cao tuổi, có trường hợp đã trên 90 tuổi.
Nữ tu Trần Thị Kim Hường, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (H.Trảng Bom) cho hay, nơi đây đang chăm sóc trên 100 cụ già neo đơn, sức khỏe yếu. Tất cả nữ tu, giáo dân tại cơ sở đều tham gia làm thiện nguyện vì tinh thần kính Chúa, yêu người, tự nguyện dấn thân vì cộng đồng. Do vậy, ngoài việc một người đảm nhận chăm sóc 5-7 cá nhân thì thành viên của cơ sở còn trồng các loại rau, đậu, trái cây, nuôi cá. Cùng với đó có sự đóng góp từ các cá nhân, tổ chức nên thời gian qua việc chăm lo cho người cao tuổi kém may mắn diễn ra thuận lợi.

Nhà sư tham gia hiến máu tình nguyện
Nhà sư tham gia hiến máu tình nguyện