(CTT-Đồng Nai) - Với mục tiêu hướng đến cải thiện hiệu quả môi trường, kinh tế xã hội của các ngành công nghiệp Việt Nam, thông qua thực hiện phương pháp tiếp cận khu công nghiệp (KCN) để xây dựng KCN sinh thái. Hơn 3 năm qua, KCN Amata đã nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, KCN Amata vẫn vướng một số rào cản trong quá trình thực hiện.

KCN Amata đã bảo đảm tiêu chí về hạ tầng, mảng xanh trong KCN
KCN Amata đã bảo đảm tiêu chí về hạ tầng, mảng xanh trong KCN
Những kết quả ban đầu
KCN Amata là một trong 5 KCN trong cả nước thí điểm xây dựng mô hình KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu do Cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ. Tuy nhiên, đến nay mô hình KCN sinh thái vẫn chưa thể hoàn thiện do vướng một số chính sách.
Theo các chuyên gia thực hiện mô hình KCN sinh thái thí điểm tại KCN Amata, trong thời gian triển khai dự án, đội ngũ chuyên gia thực hiện dự án đã tiếp xúc được 30 doanh nghiệp và thuyết phục được 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia dự án KCN sinh thái.
Đến thời điểm hiện tại, KCN Amata đã đạt một số kết quả đối với các tiêu chí, trong đó nổi bật nhất là tiêu chí xây dựng hạ tầng dịch vụ dung chung như: quảng trường, trung tâm thương mại...đã hoàn thiện. Ngoài ra, một số tiêu chí đang thực hiện tốt, như đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp trong KCN; chia sẻ dịch vụ cứu hỏa với TP.Biên Hòa và KCN lân cận đang được KCN Amata thực hiện trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, KCN Amata cũng đang nghiên cứu thực hiện các vấn đề, như phát triển năng lượng tái tạo cho các công ty trong KCN Amata, KCN Amata thu mua điện dư thừa cấp lại cho khu đô thị và các công ty có nhu cầu; tận dụng nước thải sau khi xử lý sử dụng tưới cây trong khuôn viên KCN và đô thị xung quanh; xây dựng nhà trông trẻ cho công nhân và dân cư lân cận… cũng đang được KCN Amata nghiên cứu thực hiện và có hướng khả thi trong thời gian tới.
Trong quá trình thực hiện, KCN Amata đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như: Quy định pháp lý về việc sử dụng nước tái chế, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo chưa có sự cởi mở hơn gây khó khăn rất lớn trong thực hiện dự án; các cơ chế cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh, sạch tuần hoàn đến nay vẫn còn thiếu; chính sách hỗ trợ dành cho chủ hạ tầng để chuyển đổi mô hình thành KCN sinh thái
Cần sớm tháo gỡ rào cản
Theo Đại diện Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (Hà Nội), đơn vị tư vấn thực hiện KCN sinh thái, các ý tưởng thực hiện tiêu chí mà KCN Amata đề xuất, như ý tưởng về cộng sinh công nghiệp giữa KCN Amata và đô thị xung quanh; phát triển năng lượng tái tạo cho các công ty trong KCN Amata; tái sử dụng nước thải sau xử lý để tưới cây trong khuôn viên KCN Amata và đô thị lân cận… đều có các yếu tố bảo đảm thành công và đã được nghiên cứu, phân tích những lợi ích kinh tế cụ thể.
Nhà máy xử lý nước thải KCN Amata có công suất thiết kế là 12 ngàn m3/ngày đêm, công suất vận hành thực tế là 5,8 ngàn m3/ngày đêm. Trong khi đó, diện tích cây xanh của KCN Amata đạt gần 70 ha. Mỗi ngày cần khoảng 1 ngàn m3 nước để tưới cây cho các tháng mùa khô (từ tháng 1-5 hàng năm), ước tính cần khoảng 140 ngàn m3 và chi phí trên 1,7 tỷ đồng. Do đó, nếu thực hiện được tiêu chí này, KCN Amata sẽ giảm được tiền mua nước, đồng thời còn có cơ hội bán nước cho các khu vực lân cận, vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng doanh thu từ việc bán nước thải đã qua xử lý.
Hiện nay, tiến độ phát triển KCN sinh thái bị vướng do việc thực hiện các tiêu chí còn có những rào cản riêng. Tại hội thảo về thu hút đầu tư xanh vừa diễn ra trong tháng 10 vừa qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, mặc dù đã có quy định rất rõ theo nghị định (Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế) về hồ sơ, thủ để đạt KCN sinh thái. Tuy nhiên, để đi vào thực chất vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đó là rào cản khiến cho KCN sinh thái của Đồng Nai đã hơn 3 năm vẫn chưa hoàn chỉnh được, đặc biệt là khâu xử lý và sử dụng nước thải trong tưới cây. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ khi nào KCN sinh thái thí điểm hoàn chỉnh, có thể nhân rộng ra các KCN khác. Tuy nhiên, trước mắt để thực hiện được các tiêu chí đã nêu cần có đầy đủ bộ quy trình hướng dẫn kỹ thuật cho các nhà đầu tư thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, để hình thành KCN sinh thái sẽ có điều kiện để giảm khí thải hướng đến Net-zero cũng như thực hiện các tiêu chí cộng sinh khác đòi hỏi cần có bộ tiêu chí, những hướng dẫn của các bộ, ngành phải được triển khai nhanh và đồng bộ với nhau. Bên cạnh đó, phải cụ thể hóa những tiêu chí doanh nghiệp xanh, tạo cơ sở rõ cho donh nghiệp tiếp cận.