Hiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn Đồng Nai chỉ đáp ứng được một phần nhỏ và chủ yếu phục vụ cho các vùng sản xuất cây hằng năm. Phần lớn cây trồng trên địa bàn tỉnh vẫn phụ thuộc vào nguồn nước trời và chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm để tưới vào mùa khô.
Hệ thống kênh mương thủy lợi tại xã Phú Điền (huyện Tân Phú) Ảnh: Phan Anh
Trong giai đoạn mới, Đồng Nai cần nguồn vốn lớn đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, hạn chế lạm dụng nguồn nước ngầm trong sản xuất.
Chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất
Theo Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 131 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm: 16 hồ chứa, 56 đập dâng, 36 trạm bơm, 8 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, 15 kênh tạo nguồn và kênh tiêu phục vụ tưới cho gần 32,5 ngàn ha. Tổng chiều dài kênh mương trên địa bàn tỉnh hiện có trên 478 km. Diện tích phục vụ tưới là trên 23,5 ngàn ha, diện tích phục vụ tiêu là trên 305,7 ha, diện tích phục vụ ngăn mặn trên 8,6 ngàn ha. Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 281 ngàn ha, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng được hơn 11% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, còn quá ít so với nhu cầu thực tế sản xuất tại các địa phương.
Do hệ thống thủy lợi chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu nước tưới, hiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước trời và nước ngầm. Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là thiếu nước sản xuất trong mùa khô luôn là bài toán khó cho nông dân trên địa bàn Đồng Nai, đặc biệt là ở những huyện vùng núi, vùng khô hạn nặng như Xuân Lộc, Tân Phú, Cẩm Mỹ…
Ông Nguyễn Văn Tiến, nông dân tại xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) lo lắng, địa phương này không có công trình thủy lợi nên mọi hoạt động sản xuất đều dựa vào nguồn từ các giếng khoan. Trước đây, nhà vườn chỉ cần khoan vài chục mét là có nước thì nay có nơi phải khoan sâu đến 60m, thậm chí cả 100m mà không phải giếng nào cũng đủ nước. Mùa khô đến, nông dân luôn gặp nhiều khó khăn về nguồn nước tưới, thậm chí phải thức suốt đêm để tranh thủ bơm nước tưới vườn cây. “Nông dân chúng tôi rất cần Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi nhất là khi rủi ro về thời tiết, môi trường do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, mong được hỗ trợ ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, giúp giảm lãng phí nguồn nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt” - ông Tiến nói.
Ưu tiên nguồn vốn đầu tư
Hồ Đa Tôn là hồ chứa nước cung cấp cho hệ thống thủy lợi tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: Phan Anh
Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể trong giai đoạn 2021-2030, tổng chiều dài kênh mương kiên cố hóa, mở rộng tăng thêm là hơn 663 km. Năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp từ các công trình thủy lợi là gần 36 ngàn ha, tăng hơn 3,4 ngàn ha so với năm 2020.
Giai đoạn 2021-2030, tổng nguồn kinh phí đầu tư dự kiến cho hệ thống kênh mương, thủy lợi là trên 1,2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là trên 155 tỷ đồng gồm vốn ngân sách trên 388,6 tỷ đồng, nguồn quỹ xã hội hóa gần 166,6 tỷ đồng. Giai đoạn 2025-2030, tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến trên 651 tỷ đồng, vốn ngân sách gần 456 tỷ đồng, vốn xã hội hóa trên 195 tỷ đồng. Đầu tư thủy lợi ưu tiên cho các huyện miền núi, khó khăn về nguồn nước sản xuất cần nguồn vốn lớn trong đầu tư cho hệ thống thủy lợi như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc...
Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi tỉnh cho biết, ngoài những hệ thống, công trình thủy lợi được đưa vào đề án, nhiều địa phương có kiến nghị rà soát, bổ sung đầu tư mới thêm các công trình thủy lợi, Sở NN-PTNT sẽ cùng các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung vào đề án những kiến nghị đầu tư phù hợp.
Phan Anh
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh tương đối lớn, việc đầu tư cho hệ thống công trình thủy lợi khá quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh sẽ ưu tiên tập trung đầu tư các công trình thủy lợi trong giai đoạn 2021-2025 để đạt tiêu chí về thủy lợi cho nông thôn mới nâng cao. Về nguồn kinh phí đầu tư, tỉnh rất quan tâm việc bố trí kinh phí ở cấp tỉnh, cấp huyện trong đầu tư các công trình thủy lợi; tạo cơ sở để các địa phương chủ động về nguồn kinh phí trong đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì, quản lý…