(CTT-Đồng Nai) - Việt Nam đang là nước nông nghiệp nên có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ra thế giới cũng như tiêu dùng trong nước. Bên cạnh sản phẩm chính thì phế phụ phẩm từ nông nghiệp hàng năm loại thải ra rất nhiều, gây lãng phí nguồn tài nguyên.

Sản phẩm sợi chuối của HTX Thanh Bình
Sản phẩm sợi chuối của HTX Thanh Bình
Việc tận dụng hiệu quả các phụ phẩm nông nghiệp như thân cây chuối, vỏ cà phê, bã mía, lá cây dứa (thơm)… để sản xuất vải, sợi sẽ giúp giảm chất thải nông nghiệp, tạo thêm thu nhập cho nông dân và xanh hóa sản xuất hơn.
Nguồn nguyên liệu tiềm năng lớn
Tại Đồng Nai, đơn cử như tiềm năng từ việc sản xuất vải sợi từ cây chuối là rất lớn, tuy nhiên nguồn nguyên liệu này đang lãng phí. Tỉnh có tổng diện tích hiện khoảng 16 ngàn héc ta, tập trung nhiều ở các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán…
Theo tính toán của các nhà khoa học, để thu hoạch được 1 tấn quả chuối, phải bỏ đi khoảng 10 tấn phế thải gồm vỏ, lá và đặc biệt là thân cây. Trước đây, thân chuối thường được tận dụng làm thức ăn trong chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay thân chuối gần như chặt bỏ hoàn toàn, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, thậm chí phải mất rất nhiều chi phí cho việc đốn hạ, vứt bỏ sau thu hoạch.
Trên địa bàn tỉnh cũng có một số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tận dụng phụ phẩm từ thân cây chuối để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, tuy nhiên số lượng còn rất hạn chế.
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (huyện Trảng Bom) cho biết, hiện tại, HTX đã nhập máy se sợi để sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm như ba lô, giỏ xách; sản phẩm tô, ly, chén sử dụng một lần được làm từ bẹ thân cây chuối hay các tấm thảm được dệt từ bẹ chuối, tấm cách nhiệt... Một vài năm qua, HTX đã nỗ lực để thực hiện đa dạng hóa sản phẩm từ cây chuối ngoài việc bán chuối tươi. Kết quả mới chỉ ở giai đoạn đầu, để thương mại hóa một cách rộng rãi cần thời gian và sự đồng hành của các bên nhiều hơn.
Theo ông Dương Văn Bảo, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, toàn huyện hiện có khoảng 6 ngàn ha chuối, trong đó riêng xã Thanh Bình khoảng 2 ngàn ha. Nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu từ thân cây chuối sau thu hoạch sẽ có ích rất nhiều, vừa giảm ô nhiễm lại tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Không chỉ từ cây chuối, các sản phẩm phế phụ phẩm nông nghiệp khác cũng rất tiềm năng. Đó là nguyên do mà Công ty TNHH NEXTEVO Việt Nam (nhà khởi nghiệp đến từ Singapore) đầu tư nhà máy tại huyện Nhơn Trạch. Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may thứ 3 thế giới nên DN này lựa chọn để đầu tư, bên cạnh đó khu vực này cũng là vùng kinh tế sôi động, gần các cảng biển. NEXTEVO lấy sợi từ lá dứa từ Philippines, Indonesia, Đông Phi và sắp tới là Việt Nam và Ấn Độ. Nguồn cung ứng đa dạng và có thể mở rộng quy mô này giúp giảm rủi ro về khí hậu và đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thô liên tục.
Ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm giá trị
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình chia sẻ đơn vị đang bước đầu hợp tác với Tập đoàn Kusano Sakko Inc (Nhật Bản) để trao đổi công nghệ xử lý thân cây chuối, từ đó cho ra thêm nhiều mẫu mã sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc hợp tác này sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho HTX, giúp tận dụng hoàn toàn thân cây chuối, tránh lãng phí và tái đầu tư.
Ông Kusano Takatomo, đại diện Tập đoàn Kusano Sakko Inc cho biết, doanh nghiệp mong muốn hợp tác với tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án xử lý thân cây chuối để tạo cellulose (là nguyên liệu làm Bio Resin – hạt nhựa sinh học) và sản xuất phân bón hữu cơ. Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã làm việc với 2 đơn vị về tiềm năng hợp tác. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lại Thế Thông chia sẻ, Đồng Nai đang tập trung thực hiện các mục tiêu hướng đến Netzero, nên rất ưu tiên các dự án có công nghệ xử lý thân thiện với môi trường. Sở và các đơn vị liên quan sẵn sàng làm cầu nối nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các bên hợp tác, thực hiện dự án.
Tương tự, theo ông Harold Koh, người sáng lập và giám đốc điều hành của NEXTEVO, các sản phẩm từ sợi lá dứa có thể tùy chỉnh cho các nhà kéo sợi, nhà sản xuất sợi và thương hiệu. Từ đó cho phép linh hoạt sử dụng trong toàn ngành, từ nguyên liệu thô đến hàng dệt may bán thành phẩm. DN mong muốn được hợp tác và giới thiệu loại sợi bền vững này cho ngành dệt may vì công ty tôi có thể sản xuất trên quy mô lớn tại nhà máy của mình để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
TS. Phạm Thị Hồng Phượng, Trưởng bộ môn Công nghiệp hóa học, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và nhóm nghiên cứu của mình cũng đã đầu tư vào Công ty TNHH Công nghệ xanh Thanh Bình (huyện Trảng Bom) để sản xuất vải sợi từ thân cây chuối. TS. Phạm Thị Hồng Phượng cho hay vải sợi chuối là một loại chất liệu thực vật lý tưởng thay thế cho lụa. Các sản phẩm của đơn vị đã và đang được gia công để cung ứng cho đối tác Đài Loan.