Bệnh viện đa khoa Đồng Nai: Mổ nội soi u phổi

Thứ tư - 05/09/2018 00:12
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Từ năm 2017, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Nai đã có thể tiến hành các ca mổ nội soi u phổi. Nhằm cập nhật tiến bộ trong điều trị ung thư phổi, ngày 31-8 vừa qua, BVĐK Đồng Nai đã mổ nội soi u phổi cho một bệnh nhân nữ, ca mổ được truyền hình trực tiếp đến một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.​

An toàn hơn nhờ mổ nội soi

Ngày 31-8, các bác sĩ BVĐK Đồng Nai đã tiến hành mổ nội soi u phổi cho bệnh nhân Nguyễn Thị Út, sinh năm 1952, ngụ tại phường Bửu Hòa. TP. Biên Hòa. Bà Út bị đau ngực trái, được các bác sĩ chụp X-quang tim phổi và phát hiện khối u thùy dưới phổi trái.

Sau khi gây mê, các bác sĩ đục 3 lỗ trên liên sườn để đưa các dụng cụ vào cơ thể bệnh nhân. Trong đó, một lỗ đưa banh kẹp, dao siêu âm; 1 lỗ đưa ống soi và lỗ còn lại đưa dụng cụ nội soi vào cơ thể bệnh nhân. Nhờ các thiết bị này mà hình ảnh bên trong cơ thể, phần nổi rất rõ nét. Trên “quãng đường” tới khối u của bệnh nhân, có rất nhiều hạch di căn xung quanh. Các bác sĩ đã nạo vét hết các cục hạch chứa tế bào ung thư và khá vất vả trong quá trình mổ bởi các phần xung quanh khối u cũng bị viêm dính. Điều đáng nói, mổ khối u phổi sẽ dính đến các mạch máu lớn, để tránh mất máu, bác sĩ đã sử dụng loại dao chuyên dụng vừa cắt, vừa khâu các mạch máu. Nhờ vậy, bệnh nhân không bị chảy máu trong quá trình mổ.


 Các bác sĩ BVĐK Đồng Nai thực hiện mổ khối u phổi cho bệnh nhân.

Sau 1,5 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã nạo vét, cắt hết hạch và khối u để điều trị triệt để cho bệnh nhân, tránh để sót, tái phát bệnh. Khối u của bà Út to khoảng 4cm. Trước đây, BVĐK Đồng Nai vẫn tiến hành mổ các ca u phổi nhưng chỉ dừng lại ở việc mổ mở với khối u nhỏ (khoảng 1 - 2cm hay cao nhất là 4cm). Các bác sĩ phải rạch một đường dài khoảng 20cm ở liên sườn để đi vào phổi, dùng tay để đẩy chỉ vào sát mạch máu trung tâm từ tim đi ra. “Nỗi lo lớn nhất là chảy máu trong quá trình mổ hoặc sau mổ. Việc chảy máu trong và sau khi mổ rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Khoảng 5 - 10 năm trước, các bác sĩ khá lo ngại khi mổ u phổi cho bệnh nhân vì sợ biến chứng chảy máu trong quá trình mổ. Có bệnh nhân tử vong trên bàn mổ do máu chảy nhiều”, TS.BS. Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, BVĐK Đồng Nai nói.

Từ năm 2017, BVĐK Đồng Nai bắt đầu tiến hành mổ nội soi về u phổi. Việc mổ nội soi này đã giải quyết những khối u lớn khoảng 7 - 8cm và gần mạch máu. Nhờ các thiết bị hiện đại nên việc cắt, khâu mạch máu trong quá trình mổ rất an toàn.

Cần tăng tỷ lệ phát hiện bệnh sớm

Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, lượng người hút thuốc lá cao dẫn tới tỷ lệ người dân bị ung thư phổi được các bệnh viện tiếp nhận cũng cao. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ số liệu thống kê cụ thể về vấn đề này. TS.BS. Nguyễn Anh Dũng cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với Khoa Ung bướu để thống kê tỷ lệ người mắc ung thư phổi tại Đồng Nai. Nhưng điều này không hề dễ dàng vì phải có hệ thống thu thập thông tin từ tuyến cơ sở. Bệnh nhân đi khám ở nhiều nơi nên để có số liệu tổng hợp là không dễ dàng”.

Trên thực tế, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có thể phẫu thuật được chỉ khoảng 20% do đa phần bệnh nhân phát hiện bệnh trễ, khối u lớn, di căn. Khi đó, dù các bác sĩ mổ để lấy khối u cũng không mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân. Bệnh nhân phải trải qua quá trình hóa trị hoặc xạ trị trước khi phẫu thuật. Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là tăng tỷ lệ phát hiện bệnh sớm, phẫu thuật sớm để góp phần làm tăng tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm sau khi chữa trị.

BS. Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa Ung bướu 2, BVĐK Đồng Nai cho hay: Tại Khoa Ung bướu của bệnh viện, có đến 1/3 số lượng bệnh nhân điều trị ung thư phổi. Hiện nay, ung thư phổi vẫn chưa có phương tiện, kỹ thuật để tầm soát sớm. Vì vậy, đến 60% bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng muộn. Khi ấy, bệnh đã ở giai đoạn biểu hiện ra ngoài với các triệu chứng: ho, khó thở, ho ra máu… 

Đối với ung thư phổi, nếu ở giai đoạn sớm, bác sĩ sẽ tiến hành mổ rồi mới hóa trị hoặc xạ trị (tùy từng người); còn nếu phát hiện trễ thì bác sĩ phải xạ trị hoặc hóa trị trước khi mổ. Mỗi trường hợp bệnh lại là một phác đồ điều trị khác nhau. Bởi nó còn tùy thuộc vào vị trí của khối u, tình trạng sức khỏe người bệnh. Theo BS. Đinh Thanh Bình, hiện nay có nhiều nguyên nhân gây ung thư phổi không thể cải thiện được như: hút thuốc (chủ động hoặc thụ động), ô nhiễm môi trường, công nhân làm việc trong môi trường khói bụi mà không có bảo hộ lao động. Đây là những yếu tố gây ra ung thư phổi nhiều nhất ở Việt Nam.

Tầm soát phát hiện khối u

TS.BS. Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, BVĐK Đồng Nai cho hay, những người có khả năng bị ung thư ở nam từ 55 tuổi trở lên; nữ từ 60 tuổi, đặc biệt những người có người thân bị bệnh phải làm tầm soát định kỳ, 1 - 2 lần/năm. Trong đó, bệnh nhân cần chụp phim phổi, CT. Việc tầm soát ung thư phổi không khó nhưng các cơ sở y tế phải có thiết bị chuyên dụng như: chụp CT với liều chiếu xạ thấp sẽ giúp tầm soát phát hiện khối u tốt lại không gây nhiễm xạ cho bệnh nhân. Quan trọng hơn, bác sĩ của các cơ sở y tế tuyến dưới phải biết được những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư phổi, chuyển lên các bệnh viện tuyến trên để khám và điều trị.

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây