Điểm nhấn mới lạ của du lịch Đồng Nai

Thứ tư - 05/09/2018 00:35
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Nếu như du lịch rừng và các sản phẩm gắn với du lịch sinh thái đã quá quen thuộc với du khách khi đến với Đồng Nai thì du lịch đường sông khám phá văn hóa lịch sử, tham quan làng bè, cảnh quan ven sông được kỳ vọng là điểm nhấn mới lạ của du lịch Đồng Nai. Tuyến du lịch đường sông vừa chính thức đưa vào khai thác (giai đoạn 1) vào ngày 1-9 vừa qua. Sản phẩm du lịch này không chỉ mang đến  “luồng gió mới” cho du lịch Đồng Nai mà còn góp phần thúc đẩy, liên kết phát triển du lịch vùng với TP. Hồ Chí Minh.​

Khai thác lợi thế cạnh tranh

Trong ngày khai trương tuyến du lịch sông Đồng Nai, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo (Công ty Hoàng Gia Bảo) đã tổ chức chuyến tham quan đầu tiên, khởi hành từ trạm dừng chân bến tàu Nguyễn Văn Trị đến Cù lao Ba Xê (phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa). Ca nô lướt nhẹ và du khách có thể ngắm nhìn nét đẹp của các di tích nằm ven sông như: Chùa Ông, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Đình Tân Lân, chùa Phước Long (quận 9, TP. Hồ Chí Minh); quan sát những chiếc tàu trọng tải lớn đang ngược xuôi hay các nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động bên kia sông. Sau khoảng 20 phút, chúng tôi đến Cù lao Ba Xê, ca nô chạy chậm quanh cù lao để du khách trải nghiệm không gian sông nước và cây xanh, quan sát các sinh hoạt của người dân trên làng bè Hiệp Hòa…

Lần đầu trải nghiệm tuyến du lịch trên sông Đồng Nai, anh Trần Văn Điểm (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Khi ngồi trên ca nô, ngắm cảnh sông nước mới thấy Đồng Nai rất đẹp và thú vị. Hình ảnh chân thật, bình dị về cuộc sống đời thường, sinh hoạt và văn hóa của người dân nơi đây hiện rõ trên từng khung cảnh tôi qua. Tôi nghĩ đây là sản phẩm du lịch hấp dẫn, nếu Đồng Nai quảng bá tốt sẽ đem đến cho người dân và du khách nguồn cảm hứng để “xách ba lô” lên và đi, trải nghiệm hình thức du lịch mới mẻ này”.


 Du khách trải nghiệm tuyến du lịch đường sông.

Theo Công ty Hoàng Gia Bảo, trong giai đoạn 1, tuyến du lịch đường sông đưa vào khai thác, phục vụ du khách đoạn từ Cù lao Ba Xê đến bến tàu, trạm dừng chân ở Bửu Long, trong đó điểm nhấn là khu vui chơi giải trí Cù lao Ba Xê rộng 30 ha, có thể phục vụ 2.000 khách/ngày. Hiện tại, trạm dừng chân đặt tại Công viên Nguyễn Văn Trị rộng gần 2.500m2 gồm các hạng mục như: Bến tàu, phòng vé, nhà chờ có thể tiếp nhận khoảng 200 khách. 7 ca nô cao tốc mới được thiết kế hiện đại, sang trọng, có sức chứa 25 khách/chiếc, hoạt động tất cả các ngày trong tuần. Giá vé tùy thuộc vào số lượng du khách (tour 20 khách: 128.000 đồng/người; tour 10 khách: 255.000 đồng/người; tour 6 khách: 425.000 đồng/người). Giai đoạn 2, từ bến tàu, trạm dừng chân ở Bửu Long đến bến đò Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) đang được thực hiện, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2019.

Tuyến du lịch sông Đồng Nai đi vào hoạt động đã và đang tạo điểm nhấn mới lạ cho du lịch Đồng Nai nói riêng và du lịch Đông Nam bộ nói chung. Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết: Đưa tuyến du lịch đường sông vào hoạt động, Đồng Nai có thêm một sản phẩm du lịch mới thân thiện với môi trường, khai thác lợi thế cạnh tranh riêng của Đồng Nai là dòng sông Đồng Nai. Thông qua du lịch đường sông, ngành Du lịch sẽ thu hút lượng khách đến Đồng Nai cao hơn, đặc biệt là lượng khách đến từ TP. Hồ Chí Minh khi kết nối du lịch đường sông từ TP. Hồ Chí Minh về Đồng Nai.

Để du lịch đường sông phát triển

Sau khi trải nghiệm tuyến du lịch sông Đồng Nai, chị Nguyễn Thị Hồng Huệ (du khách huyện Vĩnh Cửu) phấn khởi cho biết, những điều kiện để tổ chức tuyến du lịch đường sông ở Đồng Nai tương đối tốt. Tuy nhiên, để thu hút nhiều người tham gia vào tuyến du lịch này, các đơn vị kinh doanh du lịch cần tổ chức nhiều sản phẩm du lịch đặc thù. Ví dụ như: các chuỗi nhà hàng trên sông, các trò chơi trên sông… nhằm hấp dẫn du khách.

Theo Giám đốc Khu du lịch Bửu Long Trần Đăng Ninh, du lịch đường sông có tiềm năng rất lớn. Khu du lịch Bửu Long sẵn sàng làm đối tác để trở thành điểm đến đón du khách tham quan các di dích lịch sử… tạo thành sự liên kết dọc tuyến đường sông cũng như liên kết với TP. Hồ Chí Minh.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết, sau khi khai trương giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các điểm đến dọc theo hai bên bờ sông. “Trước mắt sẽ hoàn thiện du lịch sinh thái và khu vui chơi giải trí ở Cù lao Ba Xê. Sau đó, sẽ hoàn thiện điểm đến ở khu vực Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) để kết nối với dịch vụ ẩm thực gắn với món ăn truyền thống của địa phương như bưởi Tân Triều; hoàn thiện bến phà Hiếu Liêm với các dịch vụ vui chơi giải trí mạo hiểm dưới nước. Khi những điểm này đi vào hoạt động, sẽ đầu tư thêm một số điểm đến ở thượng lưu và hạ lưu của sông Đồng Nai, mở rộng thêm các sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu du lịch của các tầng lớp nhân dân”, ông Lê Kim Bằng nói.

Để du lịch đường sông phát triển và thu hút du khách, theo Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Phạm Anh Dũng, quan điểm của TP. Biên Hòa là sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển du lịch đường sông gắn với phố đi bộ Nguyễn Văn Trị. “TP. Biên Hòa đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, môi trường du lịch, ngăn chặn tình trạng chèo kéo du khách, nâng giá dịch vụ; kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; cảnh báo nguy hiểm, cứu nạn, cứu hộ tại các điểm du lịch; gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thành phố cũng đề nghị Sở VH-TTDL có kế hoạch hỗ trợ, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, kiến thức về văn hóa, lịch sử địa phương cho những người trực tiếp đón khách du lịch…”, Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Phạm Anh Dũng nhấn mạnh.

Ly Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây