Lan tỏa những ca khúc viết về Đồng Nai

Thứ năm - 06/09/2018 21:18
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Thời gian gần đây, trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn và cả các chương trình nghệ thuật lớn được tổ chức tại Ðồng Nai, ngày càng nhiều ca khúc về quê hương Ðồng Nai được chọn biểu diễn. Các nghệ sĩ chuyên và không chuyên đã đưa các nhạc phẩm viết về Ðồng Nai lên sân khấu và biến chúng trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn trong cảm nhận của khán giả.​

1. Trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ IX tại Ðồng Nai, chào mừng 320 năm Biên Hòa - Ðồng Nai diễn ra tối 5-9, nhiều ca khúc viết về Ðồng Nai của các nhạc sĩ: Nguyễn Thọ, Trần Viết Bính, Cao Hồng Sơn, Ðiểu Ðược, Lệ Hằng... lần lượt được giới thiệu đến khán giả qua giọng ca của các nghệ sĩ Ðồng Nai. Tiếng guitar bass, tiếng sáo trúc, tiếng kèn… khi nhẹ nhàng sâu lắng, khi tươi vui, rộn rã theo lời các bài hát: Bên dòng Ðồng Nai, Tiếng vọng ngàn xưa, Về quê anh hay Ðàn Chinh K’la tuổi thơ tôi. Ðó là những lời mời gọi du khách đến với Ðồng Nai, nơi có những khu vườn xanh tươi, bốn mùa cho hoa thơm, quả ngọt; đến thành phố năng động nơi có các nhà máy, xí nghiệp nối nhau, nhịp sống nhộn nhịp… Ðồng Nai qua sáng tác của các nhạc sĩ tràn đầy sức trẻ, vừa hiện đại nhưng cũng rất đỗi thanh bình.

Rất đông khán giả đến thưởng thức, chăm chú theo dõi từng bản nhạc. Chiến sĩ Lê Ðại Lợi (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) vui vẻ cho biết, anh rất vui khi được cùng cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đến xem và cổ vũ cho đêm nhạc. “Tôi không biết nhiều ca khúc về Ðồng Nai, vì thế có dịp thưởng thức các tiết mục ca múa nhạc viết về mảnh đất Ðồng Nai, tôi cảm thấy rất hay và gần gũi. Không gian biểu diễn cũng rất ấm cúng, ai nấy đều lắng đọng cảm xúc. Tôi nghĩ rằng, những ca khúc viết về Ðồng Nai nếu được phổ biến rộng rãi sẽ được nhiều khán giả biết đến và đón nhận không kém gì những ca khúc của các nhạc sĩ tên tuổi khác”, anh Lợi nói.

Góp mặt với ca khúc “Về quê anh”, nhạc sĩ trẻ Lệ Hằng chia sẻ, chị rất vui và xúc động khi nhạc phẩm của mình được giới thiệu và được khán giả lắng nghe, đón nhận. Ðó là nguồn động lực để chị sáng tác những ca khúc mới, hay về Ðồng Nai nói riêng, về vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Lệ Hằng, sáng tác ca khúc về Ðồng Nai không hề dễ. Ðể bài hát đi vào lòng người, nhạc sĩ phải cảm nhận được những điều gắn liền với con người, vùng đất này. Có những tác phẩm được sáng tác rất nhanh nhưng cũng có những sáng tác ấp ủ ý tưởng hàng chục năm trời. “Nói như vậy để hiểu rằng, có được ca khúc chất lượng là điều không đơn giản, sáng tác ca khúc về Ðồng Nai hay và để lại dấu ấn lại càng khó”, nhạc sĩ Lệ Hằng khẳng định.


 Hòa tấu dàn nhạc Rừng sáng do Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật biểu diễn.

2. Ðồng Nai có lực lượng sáng tác hùng hậu với nhiều ca khúc đoạt giải thưởng. Những ca khúc này đã được Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh tuyển chọn, tập hợp thành CD hơn 100 ca khúc, giới thiệu đến Phòng Văn hóa -thông tin, Trung tâm Văn hóa - thể thao các huyện, thị xã và TP. Biên Hòa để phổ biến rộng rãi đến  người dân. Ðặc biệt, nhiều ca khúc đã được dàn dựng thành những tiết mục ca múa hấp dẫn, sinh động, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong tháng 8 vừa qua, cuộc thi sáng tác nhạc phẩm chào mừng 320 năm Biên Hòa - Ðồng Nai đã khép lại. Dù chưa công bố kết quả nhưng cuộc thi hứa hẹn sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, phong cảnh Ðồng Nai đến các tầng lớp nhân dân, bạn bè trong nước, quốc tế qua âm nhạc. Ðồng thời bổ sung thêm những nhạc phẩm viết về quê hương Ðồng Nai.

Nhạc sĩ Khánh Hòa (Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Ðồng Nai) cho biết, từ sau giải phóng, âm nhạc Ðồng Nai đã có bước tiến đáng ghi nhân. Các nhạc sĩ Ðồng Nai hôm nay đã và đang tiếp nối thế hệ nhạc sĩ đi trước như Hoàng Việt, Xuân Hồng… để sáng tạo nhiều nhạc phẩm đáp ứng sự mong đợi của công chúng. Tuy nhiên, trong chặng đường tới, âm nhạc Ðồng Nai phải đối mặt với nhiều thử thách để vươn lên tầm cao mới. “Ðể vượt qua những khó khăn thử thách, trong thời gian tới tất cả những người đam mê và gắn bó với âm nhạc ở Ðồng Nai đều phải đặt mình trong bối cảnh hội nhập với thế giới. Mỗi một cá nhân phải cố gắng hòa nhập, chuyên nghiệp hóa, nghệ thuật hóa và nỗ lực sáng tạo… khi đó mới theo kịp xu thế của thời đại”, nhạc sĩ Khánh Hòa nhấn mạnh.

3. Xét cho cùng, việc đưa ca khúc đến gần công chúng không khó, cái khó là làm sao để nó thực sự thăng hoa trong thế giới nghệ thuật âm thanh. Thiết nghĩ, bên cạnh đổi mới các cuộc thi sáng tác ca khúc về Ðồng Nai thì việc tổ chức nhiều hơn những hội diễn, liên hoan là điều có thể thực hiện được. Làm thế nào để các ca khúc viết về Ðồng Nai không chỉ phổ biến trong phạm tỉnh nhà mà lan tỏa, đến gần với công chúng cả nước? Ðó là câu hỏi được đặt ra cho những người có trách nhiệm về đời sống âm nhạc của Ðồng Nai hiện nay.

Chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng, trong tương lai không xa, những ca khúc  về Ðồng Nai sẽ tăng cả về lượng và chất, để đất và người Ðồng Nai tiếp tục là cảm hứng, điểm đến hấp dẫn, như lời mời gọi: “Về Ðồng Nai, hỏi ai còn nhớ/Câu hát thuở xa xưa, ngậm ngùi trước buổi chia tay/Hò ơi, Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Ðịnh, Ðồng Nai thì về…”.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật chào mừng 320 năm Biên Hòa -  Đồng Nai

Nhân kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ IX tại Đồng Nai, chào mừng 320 năm Biên Hòa - Đồng Nai, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã phối hợp với Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh và Chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Đồng Nai tổ chức chương trình nghệ thuật vào tối 5-9, tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Gần 500 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và đông đảo người dân TP. Biên Hòa tham dự.

Chương trình được chia làm 3 phần: Chào mừng, Tiếng vọng dòng sông và Quê hương chân trời mới với 15 tiết mục ca múa nhạc, hòa tấu dàn nhạc và độc tấu được các nghệ sĩ, ca sĩ của Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai; học sinh và sinh viên Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn. Các tiết mục chủ yếu là những sáng tác của các nhạc sĩ Đồng Nai, xoay quanh chủ đề về tình yêu quê hương, đất nước và sự đổi thay của Biên Hòa - Đồng Nai hôm nay.

Chương trình nghệ thuật không chỉ tôn vinh nền âm nhạc mà còn động viên các nghệ sĩ Đồng Nai phát huy các giá trị của âm nhạc Việt Nam, phấn đấu có nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc ý nghĩa, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.

Ly Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây