(CTT-Đồng Nai) - Bộ Công thương và UBND tỉnh Bình Dương vừa tổ chức hội nghị Xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu vùng Đông Nam bộ với chủ đề “Tận dụng cơ hội - vững bước tiến mới”.

Các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của Đồng Nai tham quan quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương tại hội nghị Xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu vùng Đông Nam bộ vào tháng 12-2023
Các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của Đồng Nai tham quan quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương tại hội nghị Xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu vùng Đông Nam bộ vào tháng 12-2023
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, với quy mô xuất khẩu lớn đã góp phần giữ vững vị thế của vùng Đông Nam bộ trong việc dẫn dắt hoạt động xuất khẩu. Hàng hóa xuất khẩu của vùng Đông Nam bộ đã có mặt gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại tự do như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN...
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của địa phương thuộc khu vực Đông Nam bộ trong 10 tháng của năm 2023 đạt 181,4 tỷ USD, chiếm 32,4% kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó TP.HCM duy trì tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cao nhất cả nước đạt 80,4 tỷ USD, 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đều ghi nhận kim ngạch cao lần lượt 43,1 tỷ USD và 30,9 tỷ USD.
Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Trần Lâm (tỉnh Tây Ninh) Trần Văn Lâm chia sẻ, với các sản phẩm muối tôm, muối chay, công ty hiện đang phát triển ở thị trường nội địa, đã có khoảng 30 nhà phân phối ở các tỉnh, thành trên cả nước, cũng như cung ứng sản phẩm nhiều hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Hiện nay, công ty đang nỗ lực hướng đến thị trường xuất khẩu, trong đó có các thị trường tiềm năng như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc… Do đó, công ty cũng mong muốn tham gia nhiều hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu…
Tương tự, bà Lâm Thiên Loan, Giám đốc phát triển thị trường của Công ty CP nông nghiệp thương mại du lịch Bầu Mây (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, sản phẩm chủ lực của công ty là các loại hạt tiêu hữu cơ xuất khẩu. Hiện nay thị phần của công ty có 70% là xuất khẩu đi các thị trường như: Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, Pháp… Trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động, thị trường tiêu thụ chậm hơn những năm trước, hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đóng vai trò quan trọng để giúp các DN tìm kiếm thêm đối tác, khách hàng…
Đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú cho biết, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đổi mới, thực hiện đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt, về phía Cục Xúc tiến thương mại, trong năm 2024, Cục sẽ tiếp tục dành các trọng tâm hoạt động xúc tiến thương mại hướng tới các DN khu vực Đông Nam bộ, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại khu vực Đông Nam bộ cũng như các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia, chương trình thương hiệu quốc gia với sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, DN ở khu vực Đông Nam bộ.
Giám đốc kinh doanh Công Ty TNHH thương mại, xuất nhập khẩu, sản xuất thực phẩm Đông Du Ký (H.Trảng Bom) Trần Quang Dương chia sẻ, sản phẩm chính của công ty là các nước tương, nước mắm, xì dầu. Hiện nay thị trường chính của công ty ở thị trường nội địa, nhất là khu vực miền Nam, chủ yếu cung ứng cho các siêu thị mini, các DN cung cấp suất ăn công nghiệp. Công ty mong muốn tham gia nhiều hoạt động kết nối thị trường, tìm kiếm đối tác về nguyên liệu nhập khẩu, mở rộng ra các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng chia sẻ, với vai trò là cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, công nghiệp, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các địa phương vùng Đông Nam bộ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong vùng phát triển thị trường xuất nhập khẩu.
Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của vùng ở thị trường trong và ngoài nước, tận dụng các cơ hội quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực của vùng, góp phần thúc đẩy thương mại của vùng phát triển năng động hơn nữa, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.