Thúc đẩy bình đẳng cho lao động nữ

Thứ sáu - 20/11/2015 08:51
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:

​Mới đây, Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo tập huấn cho cán bộ ngành LĐ-TBXH, LĐLĐ và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phía Nam với chủ đề “An sinh xã hội (ASXH) có trách nhiệm giới”.

 

Giới nữ còn chịu nhiều thua thiệt  
Báo cáo toàn cầu về “Sự tiến bộ của phụ nữ thế giới 2015 - 2016  - Chuyển đổi các nền kinh tế, đảm bảo các quyền” do UN Women trình bày đã nêu lên nhiều vấn đề bất bình đẳng giới tồn tại từ lâu trong các nền kinh tế, xã hội. Báo cáo cũng đưa ra các giải pháp cụ thể để các nước tham khảo, làm nền tảng đảm bảo sự công bằng cho phụ nữ và nam giới trên toàn thế giới. Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Phó tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc Điều hành UN Women cho biết: “Thế giới trở nên thịnh vượng hơn, nhưng đồng thời cũng bất bình đẳng hơn… Có rất nhiều phụ nữ dù được đào tạo vẫn đang phải vất vả tìm kiếm việc làm. Tại nhiều quốc gia ở Trung Đông, Nam Phi, Mỹ Latinh, Caribe và Nam Âu, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong lịch sử. Tại những nơi phụ nữ có việc làm, họ bị trả công ít hơn nam giới trung bình 24%. Đa phần phụ nữ làm việc với mức lương ít ỏi hay những công việc không ổn định như nông nghiệp quy mô nhỏ, nghề giúp việc. Đây là những công việc mà phụ nữ chiếm tới 83%”.
 
 
 hinh1-2011-2015.JPG
Lao động nữ phổ thông trong các doanh nghiệp chiếm đa số
 
Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka khẳng định: “Các công cụ đo lường thông thường như GDP từ lâu đã “mù giới” khi bỏ qua một lượng lớn các công việc mà phụ nữ và trẻ em gái phải làm”. Theo Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP), có khoảng 41% nữ giới ở nông thôn và thành thị tham gia vào các công việc không được trả công như thu nhặt gỗ, củi, nguyên liệu phục vụ sinh hoạt gia đình, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… trong khi chỉ chưa đến 7% nam giới làm công việc tương tự. Ở Việt Nam, theo TS Haeoon Akram- Lodhi (Văn phòng UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương), phụ nữ thường được coi là người chịu trách nhiệm chính trong làm công việc gia đình. Trên 73% nữ làm các việc nấu nướng, 88% nữ mua thực phẩm, 65% nữ dọn dẹp nhà cửa, 68% nữ giặt quần áo và 70% nữ chăm sóc trẻ em. Trong khi đó, con số này ở nam lần lượt là 4,7%, 5,6%, 5,2%, 14% và 6%.
 
Phụ nữ và trẻ em gái phải làm những công việc không được trả công thì họ sẽ ít có thời gian học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Từ đó, dẫn đến năng lực nghề nghiệp thấp, năng suất lao động thấp, nền kinh tế chậm phát triển, trong khi phụ nữ chiếm hơn 48% lực lượng lao động của xã hội; hơn 80% người lao động (chủ yếu là phụ nữ) làm việc trong thị trường phi chính thức nên họ nằm ngoài hệ thống ASXH. Do vậy, bất bình đẳng giới trong công việc chăm sóc không được trả công sẽ làm gia tăng người nghèo và cận nghèo.
 
 
Bình đẳng giới mang lại sự tiến bộ
 
Tại hội thảo, ông Nguyễn Khắc Tuấn, Viện Lao động và xã hội cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện có hiệu quả vấn đề bình đẳng giới trong ASXH, ngoài những chính sách vĩ mô của Chính phủ, thì các doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn và nhiều cơ quan, tổ chức cũng phải tích cực vào cuộc. Trước mắt, thực hiện bình đẳng trong trả lương, thu nhập, trong giải quyết việc làm, trong bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ thì mới mong tỷ lệ nữ tham gia vào hệ thống ASXH ngày càng tăng.
 
Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phước Mạnh chia sẻ, trong các chương trình, kế hoạch bồi dưỡng tập huấn về pháp luật lao động, Công đoàn… mà LĐLĐ tỉnh tiến hành trong thời gian qua đều dành thời lượng phù hợp cho nội dung bình đẳng giới và ASXH. Từ đó, nhận thức của chủ doanh nghiệp và người lao động được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ lao động nữ trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI ngành da giày, may mặc, dệt chiếm đa số. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế là lao động nữ trong lĩnh vực này có thu nhập chưa cao, phần lớn vẫn là lao động phổ thông.
 
Nhiều đại biểu tham gia hội thảo cho rằng, trong giai đoạn mới, cần tăng tỷ lệ nữ trong khi thực hiện các chính sách ASXH theo các nhóm giải pháp về thị trường lao động, nhóm chính sách về bảo hiểm xã hội, nhóm chính sách về trợ giúp xã hội, giảm nghèo, kiểm soát bất bình đẳng và phát triển các dịch vụ xã hội. Trong đó, “Phát huy quyền của phụ nữ không những tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho phụ nữ mà còn giúp toàn xã hội phát triển một cách công bằng và ổn định. Tiến bộ cho phụ nữ là tiến bộ cho tất cả chúng ta”, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành UN Women khẳng định. 
 
Ánh Nguyệt  

 

 

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

19,500

Tổng lượt truy cập

555,798,007
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây