Ngày 17-11, Sở Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Đồng Nai đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập ngành Giáo dục - đào tạo Đồng Nai và 33 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí cùng lãnh đạo các sở, ngành đã đến dự.
Bước phát triển vượt bậc
40 năm qua, ngành GD-ĐT Đồng Nai đã không ngừng lớn mạnh gặt hái nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên của ngành GD-ĐT đã xây dựng được những điều từ không đến có, từ ít đến nhiều… làm thay đổi toàn bộ diện mạo của ngành GD-ĐT, góp phần vào sự phát triển chung của Đồng Nai nói riêng và của cả nước nói chung.
Sau ngày 30-4-1975, ngành GD-ĐT Đồng Nai, lúc đó là cơ sở giáo dục của 4 tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ: Vũng Tàu, Bà Rịa - Long Khánh, Tân Phú và Biên Hòa đã tiếp quản lại toàn bộ các cơ sở GD-ĐT do chế độ cũ để lại.
Theo thống kê, ngành GD-ĐT Đồng Nai khi đó tiếp quản 5 trường mẫu giáo, 386 trường tiểu học, 84 trường trung học, 1 trường nữ công gia chánh và 5 trường kỹ thuật, trong đó có gần 100 trường tư thục. Phần lớn các trường có quy mô nhỏ, tập trung tại thị xã, thị trấn và khu dân cư đông đúc dọc quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 15. Riêng các trường tư thục hầu hết nằm trong khuôn viên nhà thờ, nhà chùa và khu tập trung đồng bào người Hoa.
Các cựu giáo chức chụp ảnh lưu niệm cùng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường và lãnh đạo Sở GD-ĐT
Những công việc được ngành GD-ĐT Đồng Nai đã làm khi đó là: Khôi phục toàn bộ các cơ sở trường lớp do chế độ cũ để lại, cải tạo hệ thống tư thục, trường ấp; mở rộng mạng lưới trường học ở các vùng giải phóng cũ, vùng kinh tế mới; phát động phong trào toàn dân tham gia xóa nạn mù chữ; xây dựng hệ thống trường lớp bổ túc cho cán bộ và thanh niên, tách các trường mẫu giáo ra khỏi các trường phổ thông để hình thành trường mẫu giáo hoàn chỉnh, khôi phục và tiến hành xây dựng các trường sư phạm, cao đẳng sư phạm…
Sau 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay, mạng lưới trường lớp ở Đồng Nai rất đa dạng và phủ đều khắp các địa phương đã đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Toàn tỉnh hiện có 824 trường học với hơn 618 ngàn học sinh và 30,6 ngàn cán bộ quản lý, giáo viên. Ngoài ra còn có 12 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trường bổ túc văn hóa, 9 trung tâm và hơn 100 cơ sở giảng dạy ngoại ngữ, tin học; 5 trường trung cấp chuyên nghiệp, 5 trường cao đẳng, 5 trường đại học…
Trình độ của đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới nền giáo dục. Hầu hết giáo viên, cán bộ quản lý ngành GD-ĐT đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Trong đó, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS có trình độ trên chuẩn đạt trên 93%, cấp THPT đạt trên 26%; giáo viên có trình độ trên chuẩn ở mầm non là 60%, tiểu học là 88%, THCS đạt 68% và THPT là 10%.
Nhiều thành quả đáng ghi nhận
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngành GD-ĐT Đồng Nai, Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết: “Những năm học đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đội ngũ nhà giáo rất thiếu, phải tăng cường lực lượng nhà giáo đi B, phải tuyển dụng, đào tạo cấp tốc. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, đội ngũ nhà giáo đã cố gắng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ, từng bước hoàn thiện trình độ, năng lực. Khi tiến hành cải cách, đổi mới giáo dục, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục”.
Với đội ngũ cán bộ, giáo viên có năng lực và tâm huyết với nghề, trong 40 năm qua, ngành GD-ĐT Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều chính sách giáo dục “đi trước, đón đầu” so với ngành GD-ĐT cả nước. Chẳng hạn, vào thập niên 1980, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên có “hệ B” trong trường phổ thông. Đây chính là hình thức của các lớp học thuộc hệ bán công. Lúc này, hệ thống GD-ĐT cả nước chưa có loại hình trường bán công. Nhận xét về loại hình “hệ B” trong trường công lập này, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng cho rằng: “Việc gắn liền “hệ B” trong trường công lập cũng là một hình thức xã hội hóa giáo dục. Có thể xem đây là việc làm đặt nền móng cho chính sách xã hội hóa giáo dục của chúng ta hiện nay”.
Năm 1989, với sự ra đời của Trường phổ thông dân lập cấp II - III Văn Hiến (nay là Trường THPT dân lập Văn Hiến - TX. Long Khánh), tỉnh Đồng Nai trở thành một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước có loại hình trường phổ thông ngoài công lập.
Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT Đồng Nai đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành nhiều đề án phục vụ thiết thực cho sự phát triển của ngành GD-ĐT. Một số đề án để lại dấu ấn lớn như: Đề án kiên cố hóa trường lớp học trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2003 - 2005), đề án “Xây dựng trường THPT trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2010 - 2015”.
Hiện nay, ngành GD-ĐT Đồng Nai đang thực hiện một đề án lớn, được toàn xã hội quan tâm và hoan nghênh, đó là đề án “Sữa học đường”. Sau tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bắc Ninh, Đồng Nai là tỉnh thứ 3 trong cả nước thực hiện đề án này. Đây là một đề án lớn nhằm mục đích cải thiện tình trạng dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao và trí tuệ của trẻ mầm non, tiểu học, góp phần phát triển nhân lực trong tương lai.
Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển, ngành GD-ĐT Đồng Nai luôn hoàn thành các mục tiêu đề ra về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Học sinh được huy động ra lớp với tỷ lệ ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS và THPT luôn ở mức cao, tương đương với tỷ lệ chung của cả nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng hằng năm luôn tăng, số lượng học sinh giỏi cấp quốc gia đạt thứ hạng từ 20 - 25 trong các tỉnh, thành trên cả nước.
Yến Lê