Nhiều chuyển biến trong các loại hình dịch vụ
Ông Lê Văn Dành, nguyên Giám đốc Sở Công thương, Phó ban chỉ đạo phát triển dịch vụ tỉnh cho biết, xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp (DN) trong tiến trình phát triển ngành Dịch vụ, tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm đồng hành cùng DN tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi giúp DN ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
5 năm qua, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ngành Dịch vụ của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tổng sản phẩm (GRDP) thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân ước đạt 14,5% (tăng 0,36% so với giai đoạn 2006 - 2010). Nhờ nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển ngành Dịch vụ, cơ cấu ngành trong tổng GRDP của tỉnh chuyển dịch tích cực, tăng dần qua các năm, đúng định hướng đề ra. Nếu như năm 2011, ngành Dịch vụ chiếm 35,2% thì năm 2014 đã chiếm 37,1% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các loại hình dịch vụ trong từng lĩnh vực có bước phát triển nhanh, đa dạng, đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh, hỗ trợ các ngành sản xuất khác phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Trong đó, hoạt động thương mại tiếp tục phát triển theo hướng văn minh hiện đại với nhiều loại hình tham gia. Trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại TP. Biên Hòa, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị mọc lên và hoạt động hiệu quả. Từ đó, góp phần làm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn luôn giữ mức tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 17%/năm. Doanh thu bán lẻ từ trên 57.000 tỷ đồng năm 2010, dự ước đạt gần 125.000 tỷ đồng năm 2015, tăng 12% so năm 2014 và quy mô gấp 2,2 lần năm 2010.
Thị trường nội địa hàng hóa đa dạng, phong phú. Trong ảnh: Mua sắm tại siêu thị Co.opmart Biên Hòa
Các dịch vụ chất lượng cao về y tế, đào tạo, tài chính, phân phối… đang từng bước được định hình. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần nâng cao chất lượng của ngành Dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Nổi bật nhất là lĩnh vực y tế đã đưa vào sử dụng nhiều thiết bị y tế công nghệ cao, một số bệnh viện đã thực hiện được những ca chẩn đoán, chữa bệnh, phẫu thuật phức tạp. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển được hệ thống gồm hàng ngàn cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hệ thống y tế rộng khắp từ tuyến tỉnh đến cơ sở đều được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế và ngày càng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu đến tận các khu vực vùng sâu, vùng xa. Đồng thời đa dạng hóa các dịch vụ để cung ứng và tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận các dịch vụ y tế khi có nhu cầu. Hiện đã có 6 bệnh viện trên địa bàn tỉnh thực hiện được phẫu thuật sọ não; triển khai nhiều kỹ thuật cao như vi phẫu, thay khớp gối, thay chỏm xương đùi, tán sỏi tiết niệu, thận nhân tạo, siêu lọc máu, điều trị ung thư… Qua đó góp phần hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, giảm tử vong và giảm tỉ lệ di chứng tàn tật cho người bệnh. Ngoài ra, Đồng Nai cũng tích cực phát huy được nguồn lực xã hội hóa y tế, phát triển hệ thống y tế tư nhân về qui mô lẫn cơ cấu nhằm chia sẻ gánh nặng với các cơ sở y tế Nhà nước trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bên cạnh đó, dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 810 cơ sở giáo dục ở ngành học mầm non và phổ thông; 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng, trên 100 cơ sở giảng dạy ngoại ngữ, tin học; có 7 trường trung cấp chuyên nghiệp, 5 trường cao đẳng, 5 trường đại học. So với năm 2011, mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh tăng thêm 23 trường, đã huy động trên 594.000 học sinh mầm non và phổ thông ra lớp, so với năm học 2011 - 2012 tăng trên 68.000 học sinh. Hằng năm, có khoảng 120.000 lượt người học ngoại ngữ, trên 1.000 lượt người học tin học; có gần 1,5 triệu lượt người học tập tại các trung tâm học học tập cộng đồng; quy mô đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp với hơn 5.000 học viên; cao đẳng, gần 5.000 sinh viên và đại học hơn 6.000 sinh viên. Hằng năm, có gần 15.000 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Trong 5 năm qua, hệ thống giáo dục - đào tạo ngoài công lập không ngừng tăng và phát triển ổn định, góp phần đa dạng hóa các loại hình học tập và đáp ứng tốt nhu cầu học tập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ tại các khu công nghiệp
Đồng Nai là tỉnh phát triển mạnh về các khu công nghiệp (KCN) của cả nước với 31 KCN được thành lập, trong đó có 28 KCN đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần nửa triệu lao động. Do đó, các dịch vụ phục vụ người lao động và DN tại các KCN được đặc biệt quan tâm phát triển. Theo Ban chỉ đạo Phát triển dịch vụ tỉnh, trong 5 năm 2011-2015, các chương trình dịch vụ KCN như: nhà ở cho người lao động, xe đưa rước công nhân, suất ăn công nghiệp, nhà trẻ mẫu giáo, dịch vụ y tế… được chú trọng đầu tư. Đặc biệt, chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân được các DN tích cực tham gia. Đến nay, hầu hết các công ty kinh doanh hạ tầng KCN đều đã có đề án xây dựng nhà ở cho công nhân. Nhiều DN đã triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân như Công ty Hưng nghiệp Formosa, Công ty giày Việt Vinh… Các KCN như Amata, Nhơn Trạch I, Lộc An - Bình Sơn, Bàu Xéo, Sông Mây, Tân Phú, Giang Điền, Long Khánh, Nhơn Trạch III... đều có dự án xây dựng nhà ở cho công nhân đang triển khai hoặc đang xúc tiến thủ tục đầu tư.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phú Cường, ngành Dịch vụ hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của Đồng Nai, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và hưởng thụ dịch vụ chất lượng cao của nhân dân. Cơ chế thu hút, khuyến khích DN đầu tư vào ngành Dịch vụ còn chưa mạnh mẽ. Đặc biệt là các dịch vụ phục vụ công nhân, chuyên gia nước ngoài và DN tại các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Còn thiếu cơ sở y tế khám chữa bệnh dành riêng cho công nhân, nhà ở cho người lao động và nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân tại các KCN. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho các KCN cũng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Theo Ban chỉ đạo Phát triển dịch vụ tỉnh, thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ công nhân, chuyên gia và DN trong các KCN; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ đến các tỉnh và liên kết với các tỉnh để phát triển dịch vụ, khai thác thế mạnh của địa phương trên cơ sở xác định các sản phẩm có lợi thế so sánh; tổ chức mở rộng và phát triển mạng lưới phân phối đến các vùng sâu vùng xa, địa bàn nông thôn; xây dựng chuỗi giá trị cho từng ngành hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở liên kết giữa 3 công đoạn: sản xuất; thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Đặc biệt phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thúc đẩy ngành Dịch vụ phát triển nhanh, chất lượng, hiệu quả và bền vững, coi việc nâng cao năng suất trong ngành Dịch vụ là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu, từ đó nâng cao năng lực canh tranh của toàn bộ nền kinh tế.
Một số chỉ tiêu phát triển ngành Dịch vụ của tỉnh
Tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành Thương mại cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của nền kinh tế, bình quân đạt 16%/năm thời kỳ 2016 - 2020. Phấn đấu đến cuối năm 2020:
- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 21,3 - 22,6 tỷ USD. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 10% - 11%/năm. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ xuất siêu đạt khoảng 2-3% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
- Tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 207.500 - 222.000 tỷ đồng. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 10,5 - 12%/năm.
Huyền Linh