Sau hơn một năm thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã có trên 200 khách hàng doanh nghiệp (DN) được vay vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) với lãi suất ưu đãi, giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Nỗ lực kết nối
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Ðồng Nai cho biết, nhằm triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp có hiệu quả, NHNN chi nhánh tỉnh đã tích cực đôn đốc các TCTD tiếp cận khách hàng, khảo sát và thẩm định nhu cầu vay vốn của các DN, hợp tác xã (HTX) nhằm đáp ứng nguồn vốn cho DN phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD). Qua đó, các TCTD đã chủ động tìm kiếm khách hàng mới, hỗ trợ khách hàng cũ thông qua cho vay, tăng hạn mức tín dụng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ hoặc giảm lãi suất. Những hồ sơ vay đủ tiêu chuẩn sẽ được ký kết trực tiếp tại hội nghị gặp gỡ ngân hàng - doanh nghiệp. Trường hợp TCTD không cho khách hàng vay, phải nêu rõ lý do cụ thể. Từ đó, góp phần nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các Ngân hàng thương mại (NHTM) đối với cộng đồng DN, thể hiện sự chia sẻ khó khăn với DN trong tình hình mới.
Hoạt động tại Ngân hàng Đầu tư - phát triển chi nhánh tỉnh Đồng Nai
Từ tháng 6 năm 2014 đến nay, NHNN chi nhánh tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức 5 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ và vốn tín dụng cho DN. Từ chương trình kết nối đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng DN, giúp các NHTM tìm kiếm thêm khách hàng mới và thực hiện ký hợp đồng tín dụng theo tiêu chí chương trình đề ra. Ðến nay, các NHTM đã ký kết với 231 cá nhân, tổ chức; doanh số cho vay đạt 1.090 tỷ đồng, dư nợ đạt 745 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hình thức cam kết khác như nâng hạn mức tín dụng, nâng mức cấp tín dụng của tài sản cũng được các TCTD áp dụng hỗ trợ cho DN.
Tham gia chương trình kết nối, dù thuộc ngành nghề nào, DN cũng đều được hưởng mức lãi suất ưu đãi phổ biến từ 6 - 7% đối với ngắn hạn, thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 0,5% - 2%/năm và 9 - 10% đối với trung và dài hạn.
Công ty TNHH TMSX Thuận Hương, đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm trái cây sấy khô xuất khẩu là một trong các DN được Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh tỉnh Ðồng Nai cho vay 2,8 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, xây dựng kho đông lạnh bảo quản sản phẩm. Giám đốc công ty, ông Lưu Tác Sáng cho biết: “Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã thực sự “cứu cánh” cho chúng tôi trong việc cho vay vốn với lãi suất thấp để mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Tham gia chương trình kết nối, DN còn được trực tiếp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn và được tháo gỡ kịp thời”.
Theo Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Nguyễn Hùng Mạnh, nhìn chung, nguồn vốn vay theo chương trình được các cá nhân, tổ chức vay vốn sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Phần lớn các NHTM đã tích cực tham gia và thực hiện đúng cam kết đã đăng ký, trong đó, một số NHTM có doanh số cho vay đối với DN cao hơn so cam kết.
“Mặc dù quy mô và số lượng DN được hỗ trợ thông qua các chương trình kết nối vẫn ở mức độ khiêm tốn, song chương trình đã từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc giảm bớt chi phí lãi vay, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh. Ðồng thời giúp ngân hàng đưa vốn vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng”, ông Mạnh chia sẻ.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ từ nhiều phía
Ðại diện NHNN chi nhánh tỉnh cho rằng, chương kết nối ngân hàng - doanh nghiệp hơn một năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực đối với DN cũng như ngân hàng, song hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là từ phía các DN. Trong đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên địa bàn tỉnh còn chậm, tồn đọng nhiều dẫn đến khách hàng chưa có cơ sở pháp lý và tài sản để thế chấp vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, do nền kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn còn hạn chế, thị trường tiêu thụ hàng hóa chưa mạnh, thị trường bất động sản còn tồn đọng... nên ngành Ngân hàng khó tìm được các hồ sơ, dự án cho vay khả thi, hiệu quả, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng.
“Một khó khăn lớn nữa hiện nay của các ngân hàng là khó ra quyết định giải ngân vốn tín dụng vì phần lớn các khách hàng có nhu cầu là HTX kinh doanh nông sản, nông nghiệp, không có tài sản đảm bảo (TSÐB) để thế chấp ngân hàng; tài sản đất phục vụ SXKD thường phải thuê nên thiếu điều kiện vay vốn thế chấp. Tuy các đơn vị này được vay tín chấp hoặc vay không có TSÐB nhưng số tiền vay ít, không đủ phục vụ nhu cầu SXKD”, ông Mạnh cho biết.
Nhằm đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thời gian tới, NHNN chi nhánh tỉnh tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hội nghị đối thoại DN để có những giải pháp thiết thực, cụ thể giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn tỉnh. NHNN chi nhánh tỉnh cũng đề nghị các ngành chức năng cần hỗ trợ DN đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường và hỗ trợ các DN đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.
Dư thừa 14.000 tỷ đồng
Theo NHNN chi nhánh tỉnh, nguồn vốn hiện đang dư thừa hơn 14.000 tỷ đồng, các TCTD sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm ở mức phù hợp, góp phần giảm chi phí cho DN, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển.
Linh Phương