Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7) là quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khi bị khởi kiện ra tòa (án hành chính). Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cấp phó khi được ủy quyền phải hầu tòa để giải quyết vụ việc khi cơ quan đó là bị đơn trong các vụ án hành chính.
Quy định mới của Luật Tố tụng hành chính cụ thể hóa quy định về người đại diện, nhưng cũng đề cao vai trò của người đứng đầu.
*Cụ thể hóa người đại diện tại tòa
Luật Tố tụng hành chính năm 2010 quy định về người đại diện đã xác định có 2 trường hợp người đại diện, gồm: người đại diện theo quy định pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Khoản 5, Điều 54 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 quy định: “Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của đương sự mà mình là đại diện. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính thực hiện toàn bộ các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của người ủy quyền. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba”. Quy định này có đề cập đến người được ủy quyền trong tố tụng hành chính, nhưng chưa xác định cụ thể trường hợp bị đơn là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì ai được ủy quyền đứng ra giải quyết vụ việc với phía nguyên đơn tại tòa.
Để xác định rõ vấn đề này, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã quy định rõ hơn người ủy quyền. Cụ thể, Khoản 3, Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng hành chính thì các thành viên có thể ủy quyền cho một thành viên hoặc người khác làm đại diện tham gia tố tụng hành chính. Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này”.
Theo quy định mới, trường hợp cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức là bị đơn trong các vụ án hành chính thì chỉ có người đứng đầu hoặc người được ủy quyền là cấp phó được ra tòa giải quyết vụ việc. Với quy định này, luật mới đã cụ thể hóa người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp người dân kiện cơ quan, tổ chức.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập