Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu. Với những nội dung thiết thực, gắn với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, phong trào đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân ngày càng thêm phong phú, lành mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay vấn đề xây dựng gia đình văn hóa cũng gặp một số khó khăn, thách thức. Tình trạng ly hôn, sống thử, ma túy, cờ bạc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện sa sút... Bạo hành trong gia đình, trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng phát triển… làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ phát triển của nền kinh tế - xã hội.
Chú trọng nâng cao chất lượng gia đình văn hóa
Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò quyết định đối với sự phát triển của xã hội. Nhận thức được vai trò vô cùng quan trọng trong công tác gia đình, thời gian qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã tích cực triển khai và phát triển sâu rộng. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tăng từ 92,94% tăng lên 98,24% (năm 2008 đến năm 2014). Riêng năm 2015, toàn tỉnh có 569.670/577.252 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa (đạt 98.68%), cuối năm có 568.296 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, tỷ lệ 98.44%.
Với mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững, để gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, các ngành, đoàn thể đã có sự phối hợp, tích cực vận động xây dựng các phong trào. Tiêu biểu như: Hội Nông dân có “Xây dựng gia đình nông dân văn hóa”; Hội Phụ nữ có “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình tiến bộ và hạnh phúc”; ngành Giáo dục có “Xây dựng trường học văn hóa; xây dựng môi trường thân thiện, học sinh tích cực”… Từ TP. Biên Hòa đến các huyện, thị xã, mỗi nơi có mỗi cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng gia đình văn hóa. Thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình các huyện, thị đã phối hợp tích cực với các ngành của địa phương tổ chức tốt các hội thi: “Tôi yêu gia đình tôi”, Ngày hội gia đình “Yêu thương và sẻ chia”… vận động các mạnh thường quân, hộ gia đình đóng góp tạo nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Nhiều câu lạc bộ (CLB) gia đình thành viên đã tích cực góp vốn cho các thành viên trong CLB vay vốn xoay vòng. Điển hình như CLB gia đình số 4, ấp 5, xã Sông Trầu, CLB gia đình số 1 thuộc ấp Thuận Trường, xã Sông Thao, mỗi CLB đã đóng góp trên 100 triệu đồng.

Một gia đình văn hóa tiêu biểu tỉnh Đồng Nai 2016 giao lưu văn nghệ nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc
Thực tế cũng cho thấy phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã làm thay đổi cuộc sống người dân. Các gia đình trên địa bàn tỉnh đều phấn đấu thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hoá”, CLB gia đình phát triển bền vững không ngừng tăng lên. Hiện toàn tỉnh có 548 CLB gia đình phát triển bền vững với 13.796 thành viên trong tổng số 549 ấp, khu phố có CLB. Sinh hoạt được 783 lần với 28.466 lượt người tham dự. Hoạt động của các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình được lồng ghép vào mô hình CLB gia đình phát triển bền vững…
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng gia đình văn hóa vẫn còn một số hạn chế như: việc tuyên truyền, phổ biến và cam kết thực hiện tốt chủ trương, chính sách của pháp luật về hôn nhân gia đình, ngăn chặn tệ nạn xã hội vào gia đình mặc dù được các ngành, các cấp thường xuyên quan tâm tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao; một số chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đầu tư cho công tác gia đình; tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra. Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ năm 2008 đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1157 vụ bạo lực gia đình, xử lý hình sự 82 vụ; xử lý hành chính 843 vụ; hòa giải, giáo dục ngăn chặn 232 vụ...
Phát huy những giá trị văn hóa truyền thống
Trong thời kỳ công nhiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác gia đình đã chú trọng đến việc bảo tồn những giá truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Để phát huy những giá trị ấy, bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình thì việc đẩy mạnh tuyên truyền để các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa gia đình và công tác xây dựng gia đình văn hóa. Tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình, giáo dục kỹ năng sống, trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng gia đình văn hóa phải gắn với các phong trào khác như: xây dựng tổ văn hóa, xóm văn hóa, nêu gương gia đình văn hóa tiêu biểu; tiếp thu các yếu tố tích cực của thời đại, ngăn ngừa những mặt tiêu cực trong văn hóa ngoại lai, góp phần giữ ổn định cho các gia đình, tạo cơ hội cho mọi thành viên phát triển và có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng cho biết: Việc nâng cao chất lượng gia đình văn hóa đã góp phần phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc. Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa nằm trong kế hoạch phát triển chiến lược gia đình Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 của tỉnh Đồng Nai: Đến năm 2015 có trên 98% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Bổ sung và nâng cao tiêu chuẩn công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, phấn đấu đến năm 2020 có 99% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Như vậy, tỷ lệ gia đình văn hóa mỗi năm chỉ tăng 0,2 % trở lên cho thấy các cấp ủy Đảng và chính quyền không chạy theo số lượng, thành tích mà đảm bảo nâng cao chất lượng của phong trào. Người dân thực sự tin tưởng vào các cấp chính quyền, nhận thấy trách nhiệm và tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động.
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và kỷ niệm 15 năm Ngày gia đình Việt Nam (28-6-2001 - 28-6-2016), ngày 15-6, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chương trình truyền thông triển khai Tháng hành động phòng, chống bạo lực gia đình là với chủ đề “Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình” và kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Nội dung hoạt động gồm: tuyên truyền về chủ đề và ý nghĩa của năm công tác gia đình và kỷ niệm 15 năm Ngày gia đình Việt Nam 28-6; tham dự Ngày hội gia đình miền Đông Nam bộ lần thứ VII tại tỉnh Ninh Thuận (từ ngày 23 - 25-6); tổ chức nói chuyện chuyên đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” (ngày 28-6) tại Hội quán Trấn Biên; tuyên truyền vận động các gia đình tổ chức thực hiện bữa cơm gia đình tiêu biểu (từ 17 giờ đến 19 giờ ngày 28-6); phối hợp với Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức Ngày hội tuổi thơ tại huyện Định Quán (tháng 7); tham dự Hội thi câu lạc bộ gia đình chủ đề về “Gia đình hạnh phúc” (tháng 8-2016).
My Phạm