Lò nấu đường duy nhất còn lại ở Bình Lợi

Thứ ba - 15/03/2022 13:59
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) từng nổi tiếng với nghề nấu đường thủ công. Vào thời hoàng kim, Bình Lợi có khoảng 30 lò nấu đường nhưng sau đó nhiều hộ đã lần lượt bỏ nghề vì làm ăn không có lời. Hiện nay, còn 1 lò nấu đường duy nhất của gia đình ông Huỳnh Công Minh (68 tuổi, ngụ tại ấp 2) vẫn tâm huyết gìn giữ và tìm hướng phát triển chứ không bỏ nghề.
cbe146948fa640f819b7.jpg
Đường được đổ ra các khay, đợi nguội là trở thành đường cục thành phẩm
Thăng trầm nghề nấu đường thủ công
Theo chân cán bộ xã Bình Lợi, chúng tôi đến thăm mô hình nấu đường thủ công của “lão nông” Huỳnh Công Minh. Ngay từ sáng sớm lò nấu đường của gia đình ông đã đỏ lửa. Nước mía sau khi ép xong sẽ bơm trực tiếp đến lò nấu. Tại đây, người thợ nấu đường phải túc trực liên tục để đảm nhận nhiều công việc: canh lửa, vớt bọt, chuyển nước từ chảo đầu đến chảo cuối theo độ cô đặc của nước mía.
Khi chảo cuối cùng sệt lại cũng là lúc thích hợp để mẻ đường mới ra lò. Đường cô đặc múc từ trong chảo ra sẽ được đổ qua 2 lớp lưới lọc để lọc thật sạch cặn, giúp cho đường được mịn hơn. Sau khi lọc xong, số đường này được đổ ra các khay, đợi nguội là trở thành đường cục thành phẩm.
Ông Minh cho hay, trung bình mỗi ngày lò của ông ép khoảng 10 tấn mía cây và cho ra sản phẩm khoảng 1 tấn đường. Khối lượng công việc rất nhiều nhưng gia đình chỉ thuê từ 5 - 6 nhân công là có thể cáng đáng hết mọi việc. Bởi ông Minh đã đầu tư mua sắm các loại xe cộ, máy móc với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng để giảm thiểu sức lao động, đồng thời tăng hiệu quả hoạt động.
Trong lúc ngồi nghỉ ngơi đợi mẻ đường thứ hai ra lò, nông dân Huỳnh Công Minh bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về con đường khởi nghiệp và gắn bó với nghề nấu đường. Ông sinh ra và lớn lên tại vùng đất Bình Lợi. Vì gia cảnh nghèo khó nên thời gian đầu ông phải đi làm mướn cho người ta. Cũng nhờ vậy mà ông có cơ hội để học nghề nấu đường từ chủ. Sau đó, ông quyết định dùng số vốn đã dành dụm để mở lò nấu đường thủ công và đã gắn bó với nghề từ đó đến nay đã hơn 42 năm.
Trải qua không ít thăng trầm, nhiều người phải bỏ cuộc vì sản phẩm làm ra không cạnh tranh nổi với thị trường, làm ăn không có lời, thậm chí thua lỗ. Tuy nhiên, ông Minh vẫn quyết tâm bám trụ vì đó là nghề mà ông đam mê từ thời trai trẻ.
f5a1e44f2a7de523bc6c.jpg
Ông Minh đang kiểm tra số lượng thành phẩm làm ra
để đem giao cho khách hàng
Giữ gìn và phát triển nghề
Thay vì bỏ cuộc như bao gia đình khác, ông vẫn miệt mài tìm cách để khôi phục và phát triển lò đường. Ông chọn hướng đi bền vững bằng cách chế biến đường không sử dụng hóa chất bảo quan, đảm bảo sức khỏe cho người dùng. Nhờ làm ăn uy tín, sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt nên cơ hội làm ăn mở ra đối với ông. Ông được một công ty của Nhật Bản (đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) ký kết hợp đồng mua đường với số lượng lớn để sản xuất nước uống trà bí đao và duy trì “mối” làm ăn này đến nay đã hơn 10 năm. Ngoài ra, nhiều khách hàng trong nước và nước ngoài cũng tìm đến lò đặt hàng mua đường để sản xuất nước giải khát, làm bánh, mứt…
Ông Minh chia sẻ, trước đây, lò đường hoạt động theo mùa mía, từ khoảng tháng 11 của năm trước kéo dài đến khoảng tháng 3 năm sau là tạm ngưng để chờ mùa mía năm tới. Nhưng hiện nay, cơ sở của ông phải làm quanh năm thì mới đáp ứng đủ nguồn đường lớn cho thị trường.
Để chủ động nguồn nguyên liệu chế biến, ông Minh đã trồng mía trên 7ha đất của gia đình và đầu tư hệ thống giếng bơm để mía cho thu hoạch thường xuyên; đồng thời, ông còn đi thu mua mía hoặc mật mía của bà con ở các vùng lân cận... Nhờ đó đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. “Nhìn lại con đường khởi nghiệp của mình quá gian nan, vất vả, nhưng mà vui vì cuối cùng cũng mang lại thành công như mong đợi”, ông Minh bộc bạch.
Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, nghề nấu đường đã giúp gia đình nông dân Huỳnh Công Minh thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng tại quê hương Bình Lợi. Ông có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học đang hoàng và xây dựng nhà cửa khang trang. Lão nông này cho biết, ông sẽ vẫn tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề nấu đường và truyền lại nghề cho con cháu. Bởi với riêng gia đình ông, đây vẫn là nghề “ăn nên làm ra”.
Hoàng Giang

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây