Vùng đất Phú Hội (xã Phú Hội, H. Nhơn Trạch) vốn nổi tiếng lâu đời với đặc sản Trà Phú Hội. Trải qua những thăng trầm, thậm chí có thời điểm tưởng chừng bị lãng quên thì nay người dân địa phương đang nỗ lực phục hồi và phát triển vùng nguyên liệu trà theo chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, sản xuất ra sản phẩm sạch, chất lượng tốt để thương hiệu trà Phú Hội ngày một vươn xa.
Vợ chồng ông Đặng Thanh Phong (tại ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) đang thu hoạch lá trà
Khôi phục và phát triển trà Phú Hội
Được sự giới thiệu bên Hội Nông dân xã Phú Hội, chúng tôi đến thăm mô hình vườn trà rộng 4.000m2 của gia đình ông Đặng Thanh Phong (tại ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch). Đây là một trong những vườn trà lâu năm tại địa phương. Vườn trà cho thu hoạch đều đặn quanh năm, cứ khoảng 10 ngày là hái lá và đọt non 1 lần.
Theo lời kể của ông Phong, vườn trà này do bố mẹ của ông trồng từ trước năm 1975, đến đời ông vẫn tiếp tục kế thừa chăm sóc và gìn giữ. Đến nay, khu vườn đã ngót ngét gần 50 “tuổi”. Vườn trà từng đem lại thu nhập chính cho gia đình, nhờ đó mà ông có điều kiện sửa chữa nhà cửa và nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Tuy nhiên, có thời điểm trà các nơi đổ về với giá rất rẻ khiến trà Phú Hội cũng giảm giá theo.
Không sống được với nghề trồng trà, nhiều hộ trong xã đã chặt gần hết vườn trà để chuyển sang trồng cây khác cho thu nhập cao hơn. Riêng ông Phong vẫn cố gắng giữ lại. “Vườn trà này do bố mẹ đã bỏ ra nhiều công sức và tâm huyết gầy dựng nên, đến đời tôi nối gót theo chăm sóc gìn giữ. Trải qua không ít thăng trầm nhưng tôi vẫn giữ lại với hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn”, ông Phong nhớ lại.
Ông Nguyễn Huy Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch cho biết, trà Phú Hội đã có từ hơn 100 năm trước. Trước đây, hầu như nhà nào cũng trồng trà và từng trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Thế nhưng, loại đặc sản này sau đó đã gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh mãnh liệt của các loại trà nổi tiếng khác trên thị trường, thậm chí có thời điểm tưởng chừng như bị quên lãng.
Nhằm đánh thức tiềm năng giá trị cũng như lưu giữ làng nghề thủ công truyền thống, Đảng bộ, chính quyền cùng người dân địa phương đã quyết tâm phục hồi và phát triển vùng nguyên liệu trà theo chương trình nông thôn mới “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Chú trọng sản xuất trà Phú Hội theo hướng sản phẩm sạch, chất lượng tốt để thương hiệu trà ngày một vươn xa.
Cụ thể, địa phương đã cho thành lập Tổ hợp tác trồng trà từ năm 2018 và đưa vào hoạt động đều đặn từ đó đến nay. Hiện toàn xã có khoảng 32 hộ trồng trà với tổng diện tích trên 7,5ha. “Năm 2020, địa phương đã đưa trà Phú Hội tham gia hội thi cấp tỉnh và đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sau đó tham gia vào OCOP và cũng đạt được OCOP 3 sao. Đây là một niềm vinh dự tự hào cho địa phương, đồng thời cũng là trách nhiệm. Khi mà trà đạt OCOP rồi thì chính quyền địa phương cũng như hội viên trồng trà phải nâng cao ý thức, phải làm sao đảm bảo trà sạch để đem lại tốt sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông Sang cho hay.
Đến nay, đặc sản trà Phú Hội đã cơ bản được phục hồi và ngày càng đông đảo khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Hiện trà Phú Hội được chế biến thủ công chưa tẩm ướp có giá từ 600 đến 650 ngàn đồng/kg khô; được tẩm ướp thêm các loại hương liệu khác thì có giá từ 700 - 750 ngàn đồng/kg khô. Bà con nông dân tỏ ra phấn khởi vì trà luôn bán được giá cao. Nông dân Đặng Thanh Phong, ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội, bày tỏ niềm vui: “Giờ có bên chính quyền địa phương và Hội nông dân các cấp quan tâm hỗ trợ thì mình cũng ráng giữ gìn vườn trà có tiếng cho xã nhà. Hơn nữa, trà Phú Hội bây giờ có giá cao, ổn định hơn ngày xưa, nên bà con nông dân chúng tôi rất vui vẻ và yên tâm”.
Đặc sản trà Phú Hội đã đạt được Ocop 3 sao vào năm 2021
Để đặc sản trà Phú Hội tiếp tục vươn xa
Trà Phú Hội vốn kết tinh từ đất và nước, quan trọng nữa là nhờ tay nghề rang, ướp thủ công của người dân địa phương nên hương vị khác biệt so với các loại trà nổi tiếng khác.
Cô Nguyễn Thị Bế (người có nhiều kinh nghiệm rang, ướp trà tại ấp Xóm Hố, xã Phú Hội) chia sẻ, lá trà tươi sau khi được hái xong đem đạp rồi phơi nắng, sau đó đem rang, ướp với một số nguyên liệu khác như: lá trà Phật, lá dứa, hoa lài… tạo nên một hương vị thơm ngon đặc trưng của cây trà và vùng đất Phú Hội. Công thức rang ướp trà cơ bản thì ai cũng nắm được nhưng để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng tốt thì đòi hỏi người pha chế phải có kinh nghiệm đúc kết nhiều năm thì mới làm được.
Cũng theo cô Bế, người dân Phú Hội thưởng thức trà là một nét sinh hoạt phổ biến. Nhà nào cũng có trà, cũng uống trà. Họ uống vào buổi sáng cho tinh thần sảng khoái, uống trà buổi trưa thấy người khỏe khoắn và uống trà buổi tối để ngon giấc ngủ. Đặc biệt vào dịp lễ, Tết, đám cưới, đám giỗ… thì đặc sản này lại càng không thể thiếu trên bàn tiếp khách của mỗi gia đình. “Tục lệ từ xưa đến giờ hễ khách tới nhà là uống nước trà chứ không uống nước trắng cho nên rất thông dụng về trà này. Đặc biệt, loại đặc sản này uống không gây mất ngủ nên bà con ở đây uống nước trà đều đặn mỗi ngày và trở thành thói quen từ nhiều năm nay”, cô Bế bộc bạch.
Ông Nguyễn Huy Sang cho biết thêm, để trà Phú Hội tiếp tục vươn xa, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động các hội viên mở rộng thêm diện tích trồng trà với quyết tâm đưa cây trà trở thành nông sản chủ chốt của địa phương. Đồng thời giúp bà con nông dân tăng sản lượng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hơn nữa. Qua đó góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao cho xã nhà.
Hoàng Giang