Vùng đồng bào dân tộc khởi sắc

Thứ năm - 02/06/2022 09:19
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng như sự tự giác, tự lực của bà con mà nhiều vùng đồng bào DTTS đã có bước chuyển mình.

Một con đường mới được mở rộng dẫn vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Bảo Quang, TP.Long Khánh
Một con đường mới được mở rộng dẫn vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Bảo Quang, TP.Long Khánh

Đường thông hè thoáng
Hiện Đồng Nai là nơi sinh sống của 51 thành phần dân tộc thiểu số. Với trên 198,7 ngàn người, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 6,42% dân số toàn tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Sao, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh), trước năm 2022, nếu có việc di chuyển qua đường số 5 thuộc KP.Ruộng Lớn của phường thì ai cũng ngán bởi mặt đường nhỏ, hai bên đường cây cối mọc um tùm, nhiều đoạn đường hư hỏng, nhấp nhô… Từ sau Tết đến nay, đường số 5 đi qua khu vực tập trung đông đồng bào Chơro đã được mở rộng hơn, vỉa hè, cây xanh và hoa đang được người dân dần hoàn thiện.
Ông Mai Văn Lượng, người có uy tín trong đồng bào Chơro ở P.Bảo Vinh nói: “Con đường là niềm mong mỏi bao lâu của đồng bào nên khi thực hiện mở rộng đường bà con phấn khởi chấp hành việc di dời công trình kiến trúc để nhường đất mở đường. Giờ con cháu đi học, đi làm, các loại xe chở nông sản ra vào thuận tiện và tấp nập. Điều này xua đi suy nghĩ hay đúng hơn là định kiến của nhiều người rằng vùng đồng bào DTTS là nơi khó tiếp cận bởi ngăn cách của đường sá, thiếu đầu tư.
Còn ông K’Luận, người uy tín trong đồng bào Châu Mạ (xã Tà Lài, H.Tân Phú) chia sẻ, làng dân tộc Châu Mạ thuộc ấp 4 ngăn cách với phần còn lại của xã bởi dòng sông Đồng Nai. Trước kia, mỗi khi có ca cấp cứu đêm khuya là cả một quá trình vất vả tìm, chờ phà để đưa người bệnh qua sông. Nay thì cầu Tà Lài kiên cố, cao đẹp bắc qua sông Đồng Nai đã giải tỏa sự ngăn cách bấy lâu nay. Cùng với đó, hầu như tất cả các tuyến đường giao thông chính trong ấp đã được bê tông hóa nên việc đi lại của 180 hộ đồng bào Châu Mạ cũng như các dân tộc khác trong ấp 4 trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết khi xe hơi có thể chạy bon bon từ đầu đến cuối ấp.
Con em đồng bào đến trường thuận lợi
Cùng với đường giao thông thông suốt thì một trong những đổi thay tích cực nhất trong vùng đồng bào DTTS là con em đồng bào ngày càng đến trường nhiều hơn.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang, hiện 100% đơn vị cấp xã và cấp huyện trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS cho học sinh là con em đồng bào DTTS. Nhờ vậy mà trẻ em đồng bào DTTS khi đến tuổi đều được đến lớp, tiếp cận với kiến thức. Trong đó, năm học 2020-2021, có 172 em lớp 6, 175 em lớp 10 đạt tiêu chuẩn xét tuyển. Còn năm học 2021-2022, có 162 em lớp 6 và 109 em lớp 10 đạt tiêu chí xét tuyển. Trong số này, ngày càng có nhiều em đã hoàn thành chương trình đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học. Ngoài ra, hằng năm Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, Trường Phổ thông năng khiếu thể thao tỉnh đều tổ chức tuyển sinh ngay tại cộng đồng đối với học sinh có năng khiếu, đam mê với nghệ thuật, thể thao trong đồng bào DTTS. Các em vừa được hỗ trợ chế độ sinh hoạt, vừa học nghệ thuật, thể thao, lại vừa được theo học văn hóa.
Chị Bùi Khánh Trang (dân tộc Mường, ngụ xã Phú Túc, H.Định Quán) cho hay, 12 tuổi chị được nhận hỗ trợ của Nhà nước để theo học và hoàn thành chương trình học tại Khoa Âm nhạc dân tộc của Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Sau đó, chị tiếp tục được tỉnh tạo điều kiện để thuận lợi theo học tại Nhạc viện TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành âm nhạc dân tộc, chị về công tác và là giảng viên của Khoa Âm nhạc dân tộc Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh.
Còn Già làng Chơro ở xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) Nguyễn Văn Long thì cho hay: “Trường lớp với nhiều cấp học được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng ngay tại địa phương nên việc học của trẻ em trong cộng đồng bây giờ thuận tiện. Ngày càng có nhiều em là sinh viên, sau khi ra trường có được công việc ổn định hơn so với cha mẹ chúng trước kia”.
Riêng bà Điểu Thị Bông (dân tộc Chơro, xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) thì chia sẻ thêm: Do không nghề nghiệp, không đất sản xuất nên bà làm công nhân may. Tiền lương chỉ đủ cho cuộc sống của hai mẹ con khi sinh hoạt chi li. Sau khi con thi đậu đại học bà đã làm hồ sơ và được vay tín dụng chính sách từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn của Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh để lo cho con học đến khi tốt nghiệp.

Tác giả: Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây