Thêm động lực cho khởi nghiệp

Chủ nhật - 23/12/2018 22:12
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), đưa chỉ số khởi nghiệp của tỉnh tăng hơn 20% sau 5 năm, hỗ trợ 30 dự án khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng 5 dự án ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ… là những mục tiêu mà Đồng Nai hướng đến từ nay đến năm 2023.​

Đó là nội dung chính trong Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018 - 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Kế hoạch này vừa được công bố tại hội nghị do Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) tổ chức ngày 19-12 vừa qua.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Thị Hoàng, Sở được tỉnh giao chủ trì thực hiện kế hoạch nhằm cụ thể hóa đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (theo Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở tình hình thực tiễn của tỉnh. Theo đó, Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh có 4 mục tiêu chính, gồm: hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST trong cộng đồng, các trường đại học; khuyến khích nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực canh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; khuyến khích thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, tổ chức liên kết nhà khoa học và doanh nghiệp thông qua các sàn giao dịch khoa học - công nghệ.

Kế hoạch có 3 nội dung chính, là: hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ thúc đẩy thông tin tuyên truyền về khởi nghiệp ĐMST và thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ.


 Các đại biểu tham quan gian hàng của các mô hình khởi nghiệp.

Sẽ có 7 dự án cụ thể được triển khai, trong đó đáng chú ý có dự án hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp với mục tiêu cụ thể là xây dựng khu tập trung thực hiện dịch vụ khởi nghiệp đổi mới và thu hút đầu tư dự án khởi nghiệp trên toàn tỉnh bao gồm không gian thực hiện các hoạt động dịch vụ, văn phòng, thực nghiệm, thư viện, phòng họp, hội trường. Song song đó, hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng xây dựng vườn ươm tạo doanh nghiệp, hình thành các nhóm liên kết gồm doanh nghiệp - nhà trường và cơ sở ươm tạo để tạo nên cộng đồng doanh nghiệp mới trên cơ sở tuyển chọn các dự án đạt chất lượng. “Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm mới là các sáng chế, nghiên cứu khoa học kỹ thuật đưa vào sản xuất sẽ có cơ hội được hỗ trợ vốn ban đầu để triển khai. Sẽ có 5 dự án ươm tạo được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng từ nay đến năm 2023. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ cấp vốn 400 triệu đồng/mỗi dự án cho 3 doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm hoặc phát triển công nghệ mới có sức cạnh tranh trên thị trường”, Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Thị Hoàng cho hay.

Cần có sự kết nối vùng và các quỹ đầu tư mạo hiểm

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN, Bộ KH-CN Phạm Hồng Quất cho hay, đến nay đã có 34/63 tỉnh triển khai Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025. Đến nay, nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp cũng đã được Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng bổ sung, hoàn thiện. “Đồng Nai là địa phương được đánh giá có nhiều cơ hội để có thể tạo dựng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp mạnh. Ngoài lợi thế gần kề TP. Hồ Chí Minh, tỉnh cũng có rất nhiều khu công nghiệp lớn, nhu cầu về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ rất phong phú. Nếu có chiến lược hỗ trợ đúng đắn, hỗ trợ một cách kịp thời các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cũng như thu hút doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào khởi nghiệp thì sẽ tạo được động lực rất lớn”, ông Quất chia sẻ. Theo ông Quất, để phát triển bền vững, Đồng Nai cần có các hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với các tỉnh, thành trong khu vực cũng như liên kết vùng nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. Chương trình phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp phải định kỳ khảo sát, điều tra về thực trạng để điều chỉnh kế hoạch phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế.

Sáng lập viên và là Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (Thung lũng Silicon Việt Nam, Bộ KH-CN) Thạch Lê Anh khuyến cáo, Đồng Nai cần chú ý kết nối với những quỹ đầu tư mạo hiểm, bởi đó là yếu tố then chốt quyết định sự sống còn của cả hệ sinh thái khởi nghiệp. “Thông thường, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ đầu tư vào các ý tưởng mới, mô hình thử nghiệm, công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm, công nghệ đột phá, đưa đến tốc độ phát triển nhanh của doanh nghiệp. Điều quan trọng là chính sách hỗ trợ, kết nối của địa phương”, bà Thạch Lê Anh chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Vạn, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, trực thuộc Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, chắc chắn phải có Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp hoặc Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ sinh viên, thanh niên khởi nghiệp kinh doanh.

Cũng theo ông Vạn, Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam hiện có hơn 50 thành viên, trong đó một nửa là giảng viên từ các trường đại học, cao đẳng, phần còn lại là doanh nhân. Tất cả đều tình nguyện tham gia các hoạt động như đào tạo; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm… “Đồng Nai là một trong số các địa phương trọng điểm được Hội đồng quan tâm. Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị khác tổ chức những diễn đàn giao lưu khởi nghiệp tại Đại học Lạc Hồng, Cao đẳng Sonadezi… Một số dự án khởi nghiệp của sinh viên Đồng Nai được Hội đồng hỗ trợ cũng đoạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, kết nối với các đơn vị, tổ chức trong tỉnh để có thể tạo ra được ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, startup đúng nghĩa chứ không chỉ đơn thuần là mô hình sản xuất, kinh doanh”, ông Vạn khẳng định.

Ra mắt Hội đồng tư vấn, điều phối mạng lưới khởi nghiệp

Hội đồng tư vấn, điều phối mạng lưới khởi nghiệp do Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh làm Chủ tịch, Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Thị Hoàng là Phó chủ tịch thường trực và Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà là Phó chủ tịch. Hội đồng có 27 ủy viên là lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức, trường đại học cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn, điều phối mạng lưới khởi nghiệp là giúp Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng chiến lược phát triển về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; xét chọn, tổ chức các chương trình, đề án, dự án về khởi nghiệp ĐMST; làm đầu mối liên kết, chia sẻ các nguồn lực khởi nghiệp và xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.

Văn Gia

Tác giả: Vương Văn Thế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây