(CTT-Đồng Nai) - Ghép tạng là phương pháp điều trị phẫu thuật thay thế cơ quan bị suy yếu bằng cơ quan khỏe tương ứng của người khác.

Các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM sẽ hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai triển khai ghép tạng trong thời gian tới
Các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM sẽ hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai triển khai ghép tạng trong thời gian tới
Đây được coi là biện pháp điều trị cuối cùng, mang lại sự sống cho các bệnh suy chức năng tạng giai đoạn cuối, không còn khả năng điều trị bảo tồn như suy thận mạn, một số bệnh gan mạn tính, bệnh chuyển hóa, cũng như các bệnh lý ác tính. Các cơ quan có thể thay thế, cấy ghép có thể kể đến: tim, thận, gan, phổi, ruột, tụy và tủy xương.
Chưa có nhiều bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện được ghép tạng
Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã phê duyệt cho 23 bệnh viện trong cả nước được triển khai ghép tạng. Trong số này, hầu hết là các bệnh viện tuyến trung ương, chỉ có 6 bệnh viện tuyến tỉnh. Riêng ở khu vực phía Nam, hiện mới có Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Kiên Giang triển khai ghép tạng.
Nhận thấy nhu cầu ghép tạng, đặc biệt là ghép thận của người dân trên địa bàn tỉnh rất lớn, BVĐK Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất đã, đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai kỹ thuật này vào năm 2025.
Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, sau 31 năm triển khai, cả nước đã thực hiện hơn 8 ngàn ca ghép tạng, bao gồm ghép thận, gan, phổi, tim, tụy, chi thể. Ngoài ra, có khoảng 4 ngàn người khác đang trong danh sách chờ được ghép tạng, chủ yếu là chờ ghép thận và gan.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thận - tiết niệu và lọc máu Bệnh viện Bạch Mai cho hay, cả nước hiện có hơn 40 ngàn bệnh nhân đang phải điều trị thay thế thận, trong đó hơn 30 ngàn bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo.
Riêng tại Đồng Nai, hiện có hơn 1,5 ngàn bệnh nhân bị suy thận mạn đang được chạy thận định kỳ tại 10 cơ sở y tế trong tỉnh. Ngoài ra, còn rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu chạy thận khác nhưng số lượng máy chạy thận chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong số này, có nhiều bệnh nhân có nhu cầu ghép thận. Ghép thận là 1 trong 3 phương pháp để điều trị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, là phương pháp hiệu quả nhất, không những thay thế được chức năng bài tiết mà còn phục hồi chức năng nội tiết của thận.
Sẵn sàng triển khai ghép thận
Giám đốc BVĐK Đồng Nai Ngô Đức Tuấn chia sẻ, tháng 4-2018, BVĐK Đồng Nai là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca phẫu thuật lấy tạng của người chết não (gồm 1 quả tim, 2 quả thận, 2 giác mạc) để ghép cho 5 bệnh nhân có nhu cầu.Bệnh viện Chợ Rẫy sau đó đề xuất sẽ triển khai ở Đồng Nai một đơn vị quản lý người chết não trực thuộc Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Với mục tiêu sẽ làm chủ kỹ thuật ghép tạng, BVĐK Đồng Nai đã cử ê kíp gồm 6 BS và 8 điều dưỡng đi học về ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nay, các BS, điều dưỡng đã hoàn thành khóa học. Với hệ thống máy móc đầy đủ, hiện đại sẵn có, dự kiến năm 2025, bệnh viện sẽ ký hợp đồng với Bệnh viện Chợ Rẫy để triển khai ghép thận, sau đó sẽ triển khai ghép các bộ phận khác.
Ghép thận trong 1-2 năm nữa cũng là hướng đi của BVĐK Thống Nhất. BS chuyên khoa II Nguyễn Tường Quang, Phó giám đốc bệnh viện cho hay: “Bệnh viện có 104 máy chạy thận, là đơn vị có số lượng máy chạy thận thuộc hàng lớn nhất cả nước. Mặc dù vậy, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân. Vì thế, chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, trang thiết bị máy móc, cơ sở vật chất để triển khai ghép thận trong thời gian tới”.