Ghi nhận ổ dịch bệnh dại thứ 32 trên địa bàn tỉnh

Thứ hai - 28/10/2024 09:48
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận ổ dịch bệnh dại thứ 32 kể từ đầu năm đến nay. Con chó dại đã cắn một người và chết sau khi cắn người.
Người dân tiêm vaccine phòng dại tại CDC Đồng Nai sau khi bị chó cắn.
Người dân tiêm vaccine phòng dại tại CDC Đồng Nai sau khi bị chó cắn.

Theo đó, một con chó hoang không rõ nguồn gốc chạy vào Huyện đội huyện Vĩnh Cửu (thị trấn Vĩnh An), cắn nhau với chó nuôi trong Huyện đội rồi quay sang cắn anh L.G.H. (bộ đội). Con chó này sau đó đã chết.

Sau khi con chó bị chết, nhân viên thú y thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu đã phối hợp với Trạm Chăn nuôi và thú y huyện, UBND thị trấn Vĩnh An, trưởng khu phố 8 thị trấn Vĩnh An để tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy con chó dương tính với virus dại.

Trường hợp anh H. cũng đã được nhân viên y tế tuyên truyền đi tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Cơ quan chức năng đã điều tra và ghi nhận có 4 con chó trong khu phố 8 có tiếp xúc với con chó bị dại. Hiện, những con chó này đã được nuôi nhốt, tiêm vaccine dại và theo dõi các dấu hiệu của bệnh dại.

Như vậy, đây là ổ dịch dại trên chó thứ 7 trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu và là ổ dịch dại thứ 32 của toàn tỉnh kể từ đầu năm 2024 đến nay. So với cùng kỳ năm ngoái, số ổ dịch dại tăng 20 ổ, thực sự đáng báo động. Đáng lưu ý, trong số những người bị chó, mèo dại cắn có 3 trường hợp đã tử vong do sau khi bị chó, mèo cắn mà không đi tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng. Động vật sau khi nhiễm virus dại có thời gian ủ bệnh từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn nhưng trước 10 ngày phát bệnh, virus có trong nước bọt đã có thể gây nhiễm cho người và động vật khác.

Các biểu hiện lâm sàng thường được chia làm 2 thể:
Thể điên cuồng: chiếm khoảng 25% số ca bệnh, con vật bị kích thích mạnh, cắn sủa người dữ dội, sủa từng hồi dài, chảy nước dãi, sùi bọt mép.

Thể dại câm (bại liệt): con vật chỉ có biểu hiện buồn rầu, có thể bị bại ở một phần cơ thể hoặc 2 chân sau, nhưng thường là liệt cơ hàm, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra; nước dãi chảy lòng thòng, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng;

Chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm: Phải đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã; tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định, tối thiểu 1 lần/năm; cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định.

Khuyến cáo người bị chó, mèo cắn cần được xử lý y tế ban đầu và đến các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.
Thành phố Biên Hòa tiếp tục triển khai bắt chó thả rông để phòng bệnh dại
Thành phố Biên Hòa tiếp tục triển khai bắt chó thả rông để phòng bệnh dại

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây