Thêm cơ hội điều trị cho bệnh nhân đột quỵ

Thứ ba - 13/06/2023 15:24
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Đoàn công tác của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai do BS CKII Đặng Hà Hữu Phước, Phó Giám đốc bệnh viện mới đây đã khảo sát và chuyển giao kỹ thuật điều trị nhồi máu cơ tim cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết cho các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán.
Đoàn công tác Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm việc với Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán
Đoàn công tác Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm việc với Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán

BS CKI Phan Thị Phương Anh, Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã giới thiệu chuyên đề “Kỹ thuật tiêu sợi huyết trong nhồi máu cơ tim cấp”. Qua đó nhằm cập nhật những kiến thức liên quan đến việc thăm khám, chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân bị cơn nhồi máu cơ tim cấp, hạn chế chuyển viện.

BS CKII Tạ Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán cho biết, đây là bước tiến trong công tác chuyên môn của bệnh viện. Việc triển khai được kỹ thuật này sẽ giúp những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp ở khu vực Tân Phú, Định Quán có thêm cơ hội được cứu sống, điều trị tốt, hạn chế tối đa trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề do không được điều trị kịp thời.

Dự kiến trong tháng 7 này, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán sẽ bắt đầu triển khai kỹ thuật trên cùng với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, tỷ lệ tử vong cao.

BS CKII.Nguyễn Đình Quang, Trưởng Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, 85% trường hợp đột quỵ có nguyên nhân là thiếu máu não cục bộ (tắc mạch máu não), 15% do xuất huyết não và xuất huyết dưới nhện (vỡ mạch máu não). Tại Việt Nam, đột quỵ hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Người bệnh cần được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, điều trị phòng ngừa biến chứng, phòng ngừa nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng. Các nghiên cứu cho thấy, chăm sóc và điều trị đột quỵ giúp người bệnh giảm tỷ lệ tử vong, các biến chứng, giảm thời gian nằm viện, đồng thời tăng khả năng sống độc lập.
Bệnh nhân lớn tuổi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Bệnh nhân lớn tuổi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Về điều trị, theo bác sĩ Quang, những năm qua các tiến bộ trong kỹ thuật cấp cứu can thiệp đột quỵ do thiếu máu não cục bộ được ghi nhận rất tích cực.​​
​Phương pháp tái thông mạch máu bằng thuốc tiêu huyết khối tĩnh mạch hoặc thủ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ được áp dụng rộng rãi và hiệu quả.

Các phương pháp này được ứng dụng hiệu quả trong vòng 4,5 đến 6 tiếng kể từ khi người bệnh xuất hiện triệu chứng đột quỵ.

Người bệnh đến bệnh viện trễ (sau 6 giờ đến 24 giờ kể từ khi khởi phát) bắt buộc bác sĩ phải dùng kỹ thuật cao, tìm các phần mô não còn sống để can thiệp thông mạch. Phương pháp tái thông mạch máu được lựa chọn can thiệp tùy thuộc vào khoảng thời gian tính từ thời điểm khởi phát triệu chứng đầu tiên, vì vậy yếu tố quan trọng nhất vẫn là thời gian cấp cứu cho người bệnh đột quỵ. Càng được cấp cứu sớm, người bệnh càng có nhiều lựa chọn điều trị hơn và phương pháp can thiệp cũng sẽ phát huy hiệu quả cao hơn.

Theo bác sĩ Quang, mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần hai triệu tế bào thần kinh. Vì thế người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa những tổn thương về não. Người thân nên liên hệ cấp cứu 115 để được hướng dẫn sơ cứu tại chỗ và chuyển người bệnh đến các bệnh viện có đơn vị đột quỵ trong thời gian sớm nhất để đạt hiệu quả cao nhất.

Hạn chế chuyển người bệnh bằng xe hai bánh do có nguy cơ té ngã, phỏng bô, chân liệt bị kẹt vào bánh xe hoặc va chạm xuống mặt đường... Không được cạo gió, trích máu, hoặc cho người bệnh uống thuốc, nhất là thuốc dân gian, tránh để mất thời gian vàng, không hiệu quả mà còn có thể gây hại cho người bệnh.

Để phòng tránh đột quỵ, người dân nên tầm soát sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện hợp lý; ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol trong máu, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động...

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây